/ / / /

Thực trạng chất lượng lao động trẻ


Thực trạng chất lượng lao động trẻ
Cơ cấu chất lượng lao động thanh niên trong lực lượng lao động Theo thống kê lao động việc làm, năm 2006, lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành/lĩnh vực của nền kinh tế là khoảng 43 triệu người, trong đó hơn 30% ở độ tuổi 15-30 và hàng năm vẫn có khoảng hơn 1,3 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Như vậy, có thể nói lực lượng lao động của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ.

Tuy nhiên, về chất lượng, lực lượng lao động trẻ còn có những hạn chế. Học vấn thấp, kỹ năng nghề nghiệp chưa cao là một trong các nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của lao động Việt Nam nói chung và lao động thanh niên nói riêng chưa cao. Về học vấn, vẫn còn trên 15% số lao động chưa tốt nghiệp tiểu học, trong đó chưa biết chữ chiếm gần 4%.

Trình độ học vấn còn được thể hiện qua chỉ tiêu số năm đi học bình quân. Số liệu điều tra cho thấy, số năm đi học của lực lượng lao động trẻ cao hơn so với bình quân chung toàn quốc. Tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch nhất định giữa lao động trẻ là nữ và lao động trẻ nam. Đặc biệt còn có sự cách biệt khá lớn về số năm đi học bình quân giữa lao động trẻ ở nông thôn và thành thị. Chẳng hạn ở nhóm lao động từ 15-19 tuổi, đối với lao động nam, số năm đi học của lao động ở nông thôn là 7,6 năm, trong khi đó số năm đi học của lao động ở thành thị là 8,8 năm. Tương tự, đối với lao động nữ ở nhóm này là: nông thôn 7,4 năm và thành thị 9,4 năm.

Về chuyên môn kỹ thuật: Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2006, trong số lao động trong nhóm 15-34 tuổi, số người không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 84%. Xét trong tổng lực lượng lao động, tỷ lệ lao động trẻ có CMKT thấp hơn so với lao động có CMKT nói chung của cả nước (16% so với 26%). Như vậy có thể nói, chất lượng lao động trẻ (dưới giác độ CMKT) ở nước ta chưa cao, ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu những tiến bộ về khoa học và công nghệ vào trong các lĩnh vực cuả nền kinh tế quốc dân.

Trình độ CMKT của lao động trẻ Việt Nam có sự chênh lệch giữa nam và nữ. Đối với lao động trẻ nữ, số người có CMKT chỉ chiếm 5,29%, trong khi đó tỷ lệ này ở nam giới là 6,47%.
Cũng có sự chênh lệch về CMKT của lao động trẻ ở nông thôn và thành thị. ở nông thôn, số lao động trong độ tuổi từ 15- 34 có CMKT chiếm 3,36% (trong đó nhóm tuổi 15-24 chiếm 1,98% và nhóm 25-34 chiếm 5,07%); Trong khi đó ở thành thị, số lao động trong nhóm tuổi 15-34 có CMKT chiếm 13,36% (trong đó, nhóm 15-24 chiếm 7,2% và nhóm 25-34 chiếm 20,16%).

Đặc biệt, có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ lao động có trình độ cao giữa lao động trẻ ở nông thôn và lao động trẻ ở thành thị. Nếu như trong số người có CMKT ở nông thôn, chỉ có 0,79% tốt nghiệp cao đẳng, đại học thì tỷ lệ này ở lao động trẻ thành thị là 5,2%.

Đây là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay trong thị trường lao động trẻ ở nước ta, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và chất lượng lao động là vũ khí mạnh mẽ để cạnh tranh có hiệu quả.

Chất lượng lao động được đánh giá không chỉ định lượng theo trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật mà còn được đánh giá thông qua cách nhìn nhận, đánh giá của các doanh nghiệp là nơi tiếp nhận, sát hạch lao động trước khi vào làm việc chính thức. Qua một khảo sát của Tổng cục Dạy nghề, yêu cầu về kỹ năng của người lao động được đánh giá như sau:

Các kết quả trên cho thấy đối với lao động kỹ thuật có bằng, yêu cầu đầu tiên được đông đảo các doanh nghiệp cho ý kiến tập trung nhất (81%) và là quan trọng nhất, đó là “kỹ năng kỹ thuật liên quan tới công việc”.

Yêu cầu của các doanh nghiệp đối với lao động ở các trình độ khác nhau tuy có khác về thứ tự các yêu cầu nhưng nhìn chung đều tập trung vào các yêu cầu về: Kỹ năng kỹ thuật liên quan tới công việc; Tinh thần phối hợp, hiệp đồng tốt trong nhóm; Kỹ năng thực hành liên quan tới công nghệ, Có tinh thần học hỏi; Lịch sử bản thân và gia đình tốt; ý thức kỷ luật lao động; …

Các đánh giá cho thấy, lao động trẻ làm việc trong các doanh nghiệp còn có những hạn chế sau:

- Thể lực còn yếu.

- Chấp hành kỷ luật công nghệ chưa nghiêm minh.

- Lao động sáng tạo còn hạn chế.

- Thiếu tác phong công nghiệp.

- Tính văn minh công nghiệp thấp.

Các tồn tại, khiếm khuyết của lao động trẻ nước ta là trở ngại lớn đối với việc nâng cao chất lượng lao động trong các doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt cần nhấn mạnh đến các tồn tại về phẩm chất kỷ luật công nghệ, tác phong công nghiệp và văn minh công nghiệp, hạn chế lao động sáng tạo. Nếu khắc phục được các phẩm chất này thì chất lượng lao động trẻ nước ta có thể được nâng lên một bước rất đáng kể.

Vấn đề đào tạo nghề cho lao động trẻ

Cùng với sự phát triển các cơ sở dạy nghề, những năm gần đây, quy mô đào tạo tăng nhanh, chỉ tính giai đoạn 2001-2006, cả nước đã dạy nghề cho 6,7 triệu người, tăng bình quân hàng năm 6,5%; trong đó dạy nghề cho nông dân là 1,8 triệu người, dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ là 0,3 triệu người và cho hàng ngàn người khuyết tật; thí điểm và triển khai dạy nghề cho hàng ngàn thanh niên dân tộc thiểu số nội trú. Riêng năm 2006 đã dạy nghề cho 1,34 triệu người, tăng gần 2 lần so với năm 2001. Dạy nghề dài hạn đạt 1,14 triệu người, tăng bình quân 15%/năm, riêng năm 2006 là 260 ngàn người, tăng 2 lần so với năm 2001. Dạy nghề ngắn hạn đạt 5,46 triệu người, tăng bình quân gần 6%/năm, riêng năm 2006 là 1,08 triệu người, tăng gần 1,7 lần so với năm 2001.

Như vậy có thể nói dạy nghề ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn (trên 83%) trong tổng quy mô đào tạo nghề và xu hướng này còn duy trì trong thời gian tới. Dạy nghề ngắn hạn được thực hiện ở hầu hết các loại cơ sở dạy nghề, nhất là ở các trung tâm dạy nghề, các cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp. Tuyệt đại bộ phận người được học nghề là những người trong độ tuổi thanh niên và lao động trẻ. Việc tăng quy mô dạy nghề trong những năm qua đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 13,4% năm 2001 lên khoảng 20% năm 2006.

Nhiều mô hình dạy nghề năng động, linh hoạt gắn đào tạo với sử dụng lao động theo hướng cầu của thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, từng địa phương đã được áp dụng, như dạy nghề tại doanh nghiệp, dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, dạy nghề cho lao động trẻ nông thôn…

Về chất lượng, hàng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đều đạt trên 95%; trong đó loại giỏi và xuất sắc chiếm 6%, khá 23%, trung bình khá 24%, trung bình 47%; số học sinh xếp loại đạo đức khá, tốt chiếm 87% và chỉ có dưới 1,5% xếp loại yếu. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, khoảng 33% học sinh học nghề có kiến thức chuyên môn từ khá trở lên; 29% có kỹ năng thực hành nghề tốt…. ở một số ngành, chất lượng đào tạo nghề đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp với công nghệ hiện đại.

Đào tạo nghề đã góp phần tích cực đáp ứng được yêu cầu của chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong nông thôn. Đào tạo nghề cho lao động, nhất là cho lao động trẻ nông thôn những năm gần đây phát triển nhanh chóng, đã bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trẻ qua đào tạo nghề tại các địa phương và các vùng. Đào tạo nghề cũng góp phần tích cực giải quyết việc làm tại chỗ, hạn chế dòng di dân lao động trẻ ra các khu đô thị. Song song với đó, đào tạo nghề trong các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi công nghệ của doanh nghiệp. Khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp tỷ lệ này đạt trên 90%. Việc bồi dưỡng, đào tạo lại nghề trong các doanh nghiệp phù hợp với cơ cấu lao động, trình độ trang thiết bị và sự thay đổi của công nghệ; góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp do thay đổi công nghệ.

Nhìn chung, lao động trẻ qua đào tạo nghề từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, cũng qua đánh giá của các doanh nghiệp, khoảng 50% số học sinh học nghề còn yếu về kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề, làm việc tập thể và đặc biệt là tác phong công nghiệp và kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa. Đây là yếu kém rất lớn cản trở lao động trẻ nước ta được làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về dạy nghề, các cơ sở đào tạo nghề cần thường xuyên tổ chức những khoá học các kỹ năng này bởi cho dù tuyển dụng ở bất kỳ ngành nghề nào thì những kỹ năng này sẽ không bao giờ thừa đối với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang có nhu cầu tuyển dụng lớn đối với lực lượng lao động trẻ.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - MẠC TIẾN ANH

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến