/ / / /

Nguyên nhân một số vụ án dân sự bị hủy


Nguyên nhân một số vụ án dân sự bị hủy
Những năm gần đây, chất lượng xét xử án dân sự ở các địa phương, đặc biệt là số vụ án bị hủy, cải sửa luôn được dư luận quan tâm. Thực tế, số án này chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số vụ án đã xét xử, có nhiều trường hợp phải xử đi, xử lại, kéo dài nhiều năm; cá biệt có vụ kéo dài hàng chục năm, sau 6 -7 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi giám đốc thẩm lại quay về điểm xuất phát.

Điều này gây phiền toái cho người phải “đáo tụng đình” và khiến người dân hoài nghi về hiệu quả của tiến trình cải cách tư pháp.

Theo thống kê chưa đầy đủ ở một địa phương, năm 2010, ngoài số vụ bị Tòa án cấp tỉnh cải, sửa, hủy án, có 14/34 vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị Tòa án NDTC và Viện Kiểm sát NDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tuyên bố hủy án; giao lại cấp sơ thẩm điều tra, xét lại từ đầu. Trong đó, hầu hết là các vụ án về tranh chấp đất đai, nhà cửa. Đáng lưu ý, trong số những vụ án bị hủy, có nhiều vụ đã tổ chức thi hành án xong, người được thi hành án đã được giao đất, xây dựng và quản lý nhà ở ổn định. Hầu hết các vụ bị hủy do điều tra chưa đầy đủ, chưa xác định rõ mốc giới các khu đất có tranh chấp; không làm rõ nguồn gốc số tài sản đang tồn tại trên đất, số cây do ai trồng, nhà cửa vắng chủ do ai quản lý; hoặc có những vụ tư cách tham gia tố tụng của người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng chưa được Tòa xác định đúng. Một số ít vụ bị hủy, được đánh giá ban đầu do nhận thức và áp dụng pháp luật.

Tuy chưa tổng kết, đánh giá để có cái nhìn chuẩn xác về thực trạng án bị hủy ở địa phương nói trên, song qua tìm hiểu, nguyên nhân chính là do quá trình điều tra của Tòa án chưa đầy đủ, máy móc, phiến diện trong quá trình tổ chức định giá tài sản. Hội đồng định giá do Tòa án thành lập, có sự tham gia của các ngành chuyên môn và sự tham gia của VKSND cùng cấp, nhưng Tòa án thường không sâu sát, thiếu định hướng cho Hội đồng định giá thực hiện đúng nội dung, đáp ứng yêu cầu theo từng vụ kiện. Cụ thể, do máy móc trong cách hiểu, Hội đồng định giá thường quan tâm đến giá trị cần định, tức là quan tâm tính toán giá trị, diện tích của thửa đất hay ngôi nhà mà chưa coi trọng việc mô tả đặc điểm, cấu trúc của tài sản đang định giá; xác định đúng mốc giới các khu đất; số lượng, đặc điểm các loại cây lưu niên hiện có trên thửa đất đang tranh chấp...

Đây là một mấu chốt của vấn đề, dẫn tới các vụ kiện dân sự tồn đọng, kéo dài nhiều năm. Có nhiều vụ kiện, trong quá trình điều tra, Tòa án sơ thẩm đã định giá (bao gồm xác định mốc giới thửa đất; mô tả đặc điểm, cấu trúc của tài sản đang tranh chấp…) nhưng khi có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp trên phải định giá lại mới tiến hành xét xử; hoặc khi tiến hành xét xử, qua thẩm vấn tại phiên tòa, các bên đương sự đã trình bày mâu thuẫn về đặc điểm, cấu trúc của tài sản đang tranh chấp nên tòa phải hoãn xử, sau đó tiến hành định giá bổ sung, hoàn thiện hồ sơ mới mở phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai. Cũng có trường hợp khi đang thẩm vấn, tòa án cấp phúc thẩm không tiến hành hoãn phiên tòa để định giá lại mà quyết định hủy án với lý do cấp phúc thẩm không khắc phục được. Dù thế nào thì người dân cũng là đối tượng phải gánh chịu hậu quả pháp lý do việc hủy án.

Theo một số chuyên gia pháp lý, để hạn chế việc Tòa án cấp trên hủy án, trước khi tiến hành định giá, người chủ trì phải tóm tắt nội dung vụ kiện, đề ra yêu cầu cần định giá, bám sát nội dung và nghiên cứu từng khía cạnh lời khai của các đương sự, nhất là khi có sự mâu thuẫn. Thực tế, có vụ kiện tranh chấp nhà cho ở nhờ, nguyên đơn cho rằng, hiện tại ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn như tại thời điểm cho ở nhờ; bị đơn thì cho rằng, ngôi nhà xuống cấp, bị sập đã phải xây mới lại hoàn toàn và đầu tư thêm một số công trình, vật kiến trúc khác. Để giải quyết vụ kiện được đạt lý, thấu tình, Hội đồng định giá phải làm rõ: chất liệu ngôi nhà, nếu có tranh chấp về cây lâu năm trên đất thì phải làm rõ cả từng loại cây... Có vụ kiện, bị đơn cho rằng ngôi nhà được xây mới hoàn toàn, chấp nhận trả tài sản nhưng yêu cầu tính toán lại giá trị đã đầu tư. Theo lời phản tố của nguyên đơn, Hội đồng định giá phải mô tả rõ đặc điểm ngói lợp phù hợp với lời khai của nguyên đơn tại thời điểm cho mượn nhà...

Như vậy, ngoài việc xác định giá trị tài sản đang tranh chấp, biên bản định giá phải thể hiện cụ thể, đầy đủ đặc điểm, cấu trúc của loại tài sản đang tranh chấp, để từ đó người có trách nhiệm với vụ kiện khi đọc hình dung được sự việc; giải đáp được những mâu thuẫn trong từng nội dung vụ việc và lời khai của các đương sự.

Từ một số nội dung nêu trên, trở lại việc 14 vụ kiện dân sự đã có hiệu lực pháp luật ở một địa phương vừa bị các cơ quan pháp luật ở Trung ương hủy, giao hồ sơ cấp sơ thẩm xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm, thiết nghĩ liên ngành Tòa án, Vện kiểm sát nên tổng hợp các vụ kiện bị hủy, cải sửa và tổ chức hội nghị pháp chế, tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hủy án; đồng thời phân tích, rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tổ chức định giá tài sản, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự, đặc biệt là án tranh chấp đất đai, nhà cửa...

Phạm Dân
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân


 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến