/ / / /

Tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn: Ly hôn tòa lại giao con cho bà ngoại


Tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn: Ly hôn tòa lại giao con cho bà ngoại
TAND TP Bến Tre (Bến Tre) vừa có văn bản kiến nghị gửi chánh án TAND tỉnh Bến Tre về một bản án ly hôn của tòa này bị TAND tỉnh sửa trước đó.

Theo luật, chỉ khi cha mẹ, anh, chị, em không còn thì ông bà nội, ông bà ngoại mới có quyền nuôi dưỡng cháu.

Sơ thẩm: Cha được nuôi

Theo hồ sơ, cuối năm 2008, anh N. nộp đơn ra TAND thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre) xin ly hôn với chị Ng.

Tại phiên sơ thẩm tháng 11-2008, anh N. khai vợ chồng họ kết hôn năm 2003, nay đã có một con chung năm tuổi. Sau hai năm chung sống tại TP.HCM, vợ chồng bất đồng quan điểm nên chị Ng. đem con về sống với cha mẹ ruột tại Bến Tre. Nay anh yêu cầu tòa cho ly hôn và được trực tiếp nuôi con, còn tài sản chung và nợ chung thì không có gì.

Ở phiên xử này, chị Ng. chỉ có bản tự khai gửi đến tòa do trước đó chị phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, đang phải thụ án sáu năm tù. Theo bản tự khai, chị đồng ý ly hôn, không yêu cầu giải quyết về tài sản chung, nợ chung mà chỉ yêu cầu được nuôi con.

TAND thị xã Bến Tre nhận định về mặt hôn nhân, hai bên đương sự đều thuận tình chia tay. Về mặt nuôi dưỡng con chung, chị Ng. đang thụ án tù, không có điều kiện nuôi con. Vì vậy, tòa đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh N., giao con chung cho anh trực tiếp nuôi dưỡng. Tòa cũng ghi nhận là nếu sau này, vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên thì tòa có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Phúc thẩm: Bà ngoại được nuôi

Sau đó, chị Ng. có đơn kháng cáo gửi từ trại giam, yêu cầu tòa phúc thẩm giao con cho mình nuôi. Tháng 3-2009, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã ra phán quyết trái ngược hoàn toàn so với cấp sơ thẩm: Giao quyền nuôi con cho chị Ng. Vì chị Ng. đang thụ án tù nên tòa giao cho mẹ chị tiếp tục nuôi dưỡng cháu bé cho đến khi chị chấp hành án xong.

Theo tòa, từ năm 2005, chị Ng. đã ôm con về sống với mẹ ruột tại Bến Tre cho đến nay. Sau khi chị thụ án tù, mẹ chị vẫn nuôi dưỡng, cho cháu bé học hành. Giờ nếu thay đổi người nuôi dưỡng, thay đổi môi trường sống (anh N. hiện sống tại TP.HCM) sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.

Mặt khác, đứa con còn là niềm an ủi lớn giúp chị Ng. an tâm cải tạo trong thời gian thụ án, nếu giao con cho anh N. thì điều kiện gặp con của chị vô cùng khó khăn, ảnh hưởng xấu đến tinh thần của chị. Tòa nhận định anh N. sinh sống tại TP.HCM, lại là người chủ động ly hôn nên sau này khả năng anh đi thăm chị Ng. hầu như không có, tức mẹ con chị Ng. sẽ không có điều kiện gặp gỡ.

Cấp dưới không phục!

Sau đó, TAND TP Bến Tre đã tổ chức họp rút kinh nghiệm để tránh sai sót khi giải quyết những vụ án tương tự. Tuy nhiên sau buổi họp, TAND TP Bến Tre đã không rút ra được kinh nghiệm gì mà còn băn khoăn về việc áp dụng pháp luật nên đã làm kiến nghị gửi chánh án TAND tỉnh Bến Tre.

Theo TAND TP Bến Tre, pháp luật chỉ quy định về quyền được nuôi con, quyền thay đổi việc nuôi con của cha mẹ chứ không hề có quy định về quyền nuôi con của ông bà thay cho cha mẹ khi cha hoặc mẹ còn sống, chịu đứng ra đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Cụ thể, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trong trường hợp cha mẹ không còn thì con do anh, chị, em nuôi dưỡng. Nếu cả cha mẹ, anh, chị, em không còn thì ông bà nội, ông bà ngoại mới nuôi dưỡng cháu.

Trong vụ án cụ thể này, sau khi cải tạo về, chị Ng. vẫn có quyền xin thay đổi người nuôi con. Như vậy, việc tòa phúc thẩm sửa án, giao con chung của cha mẹ cho bà ngoại nuôi là không có cơ sở pháp lý, chưa thuyết phục.

Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

(Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình)

Nghĩa vụ và quyền của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu:

1. Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

(Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình)

Nghĩa vụ và quyền của anh, chị, em:

Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

(Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình)

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM - NGUYÊN TRƯỜNG

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến