Tranh chấp đất có “giấy đỏ”, để tòa giải quyết
Với bốn quyết định thu hồi, hủy bỏ “giấy đỏ” đã cấp, UBND huyện đã khiến vụ tranh chấp bị kéo rê trong bảy năm.
Năm 1999, bà H. được UBND huyện Tịnh Biên (An Giang) cấp “giấy đỏ” cho hơn 9.600 m2 đất. Cho rằng trong số đất đó có 5.800 m2 đất thuộc quyền sử dụng của mình, bà B. đã khiếu nại.
Thu hồi “giấy đỏ” đã cấp
Năm 2001, UBND huyện Tịnh Biên đã thu hồi, hủy bỏ “giấy đỏ” trên; đồng thời cho phép bà B. được sử dụng hơn 4.700 m2 đất, bà H. được sử dụng hơn 4.830m2 đất. Không đồng ý, bà H. khiếu nại. Năm 2001, UBND huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại của bà H. theo hướng giữ nguyên cách xử lý trên. Lần này, bà H. đã làm thủ tục khởi kiện vụ án hành chính.
Tháng 1-2003, trong lúc TAND tỉnh An Giang đang thụ lý vụ án thì UBND huyện đã ban hành quyết định hủy bỏ hai quyết định giải quyết trước đó. Cứ tưởng nơi đây sẽ có phương án xử lý mới nhưng không phải vậy. Cùng ngày, UBND huyện đã ra quyết định mới để thu hồi, hủy bỏ “giấy đỏ” đã cấp cho bà H. Bà H. lại khiếu nại và UBND huyện lại giải quyết khiếu nại bằng cách giữ nguyên việc thu hồi, hủy bỏ “giấy đỏ”. Thế là bà H. lại khởi kiện UBND huyện ra tòa.
Huyện làm khác ý tòa
Bản án sơ thẩm năm 2003 và phúc thẩm năm 2004 đều xử hủy quyết định năm 2003 của UBND huyện Tịnh Biên về việc thu hồi, hủy bỏ “giấy đỏ” trên. Theo Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, tranh chấp của bà B. là tranh chấp quyền sử dụng đất giữa cá nhân với cá nhân đối với đất đã có “giấy đỏ”. Theo Luật Đất đai năm 1993, không phải UBND mà chính là TAND mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Án phúc thẩm đã xử cho bà H. thắng kiện thông qua việc hủy bỏ quyết định năm 2003 của UBND huyện Tịnh Biên.
Rất nhiều người, trong đó có bà H., đều nghĩ rằng sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, UBND huyện Tịnh Biên sẽ chuyển vụ tranh chấp của bà B. sang TAND huyện giải quyết. Song vào tháng 7-2006, nơi đây tiếp tục ra quyết định thứ tư để thu hồi “giấy đỏ” đã cấp cho bà H. với lý do “cấp sai đối tượng”. Đến khi bà H. khiếu nại, nơi đây tiếp tục ra quyết định bác đơn khiếu nại của bà H. vì “không có tình tiết mới”. Vẫn không đồng ý, bà H. đã tiếp tục khởi kiện UBND huyện ra tòa...
Dằng dai đến khi nào?
Không đi sâu vào nội dung tranh chấp của các bên, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến cách thức xử lý vụ việc sao cho mau chóng, gọn lẹ. Theo pháp luật về đất đai trước giờ, những tranh chấp đất có “giấy đỏ” đều được chuyển sang tòa án giải quyết theo đúng thẩm quyền. Nguyên tắc là vậy nhưng có nơi chuyển ngay (sau khi hòa giải không thành), có nơi giữ lại để giải quyết bằng việc tự xem xét, điều chỉnh “giấy đỏ” đã cấp. Với việc bị thu hồi “giấy đỏ”, các đương sự có thể làm thủ tục khởi kiện án hành chính. Rốt cuộc vụ việc cũng được chuyển sang tòa giải quyết. Đến lúc này, nếu UBND chịu giải quyết lại theo án tòa thì có thể tạm yên chuyện nhưng nếu UBND làm ngược lại (như trường hợp nêu trên của UBND huyện Tịnh Biên chẳng hạn) thì vụ việc dễ bị dằng dai, kéo dài.
Nên chăng đối với những tranh chấp đất có “giấy đỏ”, UBND cấp huyện sẽ chuyển ngay sang tòa. Sau đó, UBND huyện có thể thu hồi, điều chỉnh hoặc giữ nguyên “giấy đỏ” tùy thuộc vào nội dung án tuyên.
Được thu hồi khi phát hiện đã cấp sai Theo Điều 21 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ, khi tự kiểm tra và phát hiện đã cấp sai giấy chứng nhận, cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra. Căn cứ vào kết quả thẩm tra, cơ quan thẩm quyền ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Các trường hợp không thuộc quy định trên chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của TAND đã có hiệu lực thi hành. |
THANH VÂN
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook