/ / / /

Pháp luật quốc tế về tuyển dụng, sử dụng lao động trẻ em


Pháp luật quốc tế về tuyển dụng, sử dụng lao động trẻ em
Theo Báo cáo Toàn cầu lần thứ hai về lao động trẻ em, trong năm 2004, ước tính có 218 triệu trẻ em trên toàn thế giới phải lao động1, trong đó có 126 triệu em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm. Tình trạng đáng buồn này có nguồn gốc sâu xa từ một số yếu tố như văn hóa - xã hội, kinh tế, luật pháp.

1. Các công ước quốc tế về tuyển dụng, sử dụng lao động trẻ em

Yếu tố văn hóa - xã hội xuất phát từ quan niệm truyền thống cho rằng, trẻ em phải tham gia làm việc để phát triển về mọi mặt, hoặc để kế thừa nghề nghiệp của ông bà. Do đó, nhiều gia đình khuyến khích hoặc buộc trẻ em phải tham gia lao động sớm và làm cả những công việc nặng nhọc, độc hại.

Yếu tố kinh tế xuất phát từ hoàn cảnh gia đình các em nghèo đói, nên phải ưu tiên cho việc kiếm sống và mọi thành viên trong gia đình, trong đó có trẻ em, cũng được huy động vào việc này.

Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp nhận thấy những lợi ích kinh tế của việc sử dụng lao động trẻ em. Họ có thể trả cho trẻ em tiền công thấp, mặc dù công việc trẻ em làm ngang bằng với công việc của người lớn. Thêm nữa, trẻ em cũng dễ bảo, dễ sai khiến, dễ lạm dụng sức lao động. Trẻ em thường là người không hiểu biết, không nhận thức rõ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ít phàn nàn, yêu sách và ít khi kết thành hiệp hội, nên chủ sử dụng lao động trẻ em không phải lo đối phó với những yêu cầu hoặc các cuộc đấu tranh của các tổ chức công đoàn đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc.

Yếu tố kinh tế còn xuất phát từ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của quốc gia, mà biểu hiện là quá trình thương mại hóa, tư nhân hóa, toàn cầu hóa có nhu cầu lớn về lao động, dẫn tới việc bóc lột sức lao động trẻ em. Trong các quốc gia đang phát triển, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa kéo theo tình trạng mất đất, thiếu tư liệu sản xuất buộc nhiều người, cả người lớn và trẻ em phải di cư, phải làm đủ nghề để đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình và vì vậy, hiện tượng lao động trẻ em lại xuất hiện.

Ngoài những yếu tố nói trên, cần kể đến sự thiếu vắng các quy định của pháp luật. Pháp luật là tập hợp các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành, có tính chất bắt buộc với mọi chủ thể trong xã hội, là hành lang pháp lý cho sự vận hành đúng đắn của các quan hệ xã hội, trong đó có các quan hệ về tuyển dụng và cho phép trẻ em tham gia lao động. Việc không có hoặc thiếu các quy định pháp luật phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng lao động trẻ em. Ví dụ, pháp luật nhiều nước chưa điều chỉnh các quan hệ lao động trong khu vực phi chính thức đã dẫn tới tình trạng lao động trẻ em ở khu vực này trở thành một vấn đề xã hội bức xúc. Ngoài ra, nếu một hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp nhưng không được triển khai hay triển khai kém hiệu quả thì tình trạng lao động trẻ em vẫn xảy ra.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế và nhiều quốc gia rất coi trọng việc ban hành pháp luật nhằm kiểm soát, điều chỉnh vấn đề lao động trẻ em. Điều này bảo đảm cho các em có thể tham gia quan hệ lao động; mặt khác, nó bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho trẻ em.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ khi thành lập năm 1919 đến nay đã thông qua gần 200 công ước và cũng gần 200 khuyến nghị, trong đó có gần 30 công ước đề cập đến việc bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bóc lột và lạm dụng sức lao động. Nổi bật trong số đó là hai công ước cơ bản trực tiếp đề cập đến vấn đề ngăn ngừa, cấm và xoá bỏ lao động trẻ em là Công ước số 138 về Độ tuổi lao động tối thiểu năm 1973 (kèm theo Khuyến nghị số 146) và Công ước số 182 về Cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999 (kèm theo Khuyến nghị số 190). Từ khi thông qua cho đến nay, đã có 155 quốc gia phê chuẩn Công ước số 138 và 171 quốc gia phê chuẩn Công ước số 182.

Công ước số 138 về Độ tuổi lao động tối thiểu quy định rằng, tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc sẽ không dưới độ tuổi hoàn thành giáo dục bắt buộc và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không dưới 15 tuổi (Khoản 3 Điều 2). Pháp luật hay quy định quốc gia có thể cho phép sử dụng lao động hay lao động của người từ đủ 13 đến 15 tuổi trong những công việc nhẹ nhàng mà không có khả năng tác hại đến sức khoẻ, học tập hoặc sự phát triển các mặt của trẻ em (Khoản 1 Điều 7). Đối với những công việc hoặc lao động mà tính chất hoặc điều kiện tiến hành có thể có hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc phẩm hạnh của thiếu niên, thì tuổi tối thiểu không được dưới 18 (Khoản 1 Điều 3).

Công ước số 182 về Cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đề cập tới những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất gồm: a) Mọi hình thức nô lệ hay tương tự nô lệ như buôn bán trẻ em, gán nợ, lao động khổ sai, lao động cưỡng bức, bao gồm tuyển mộ cưỡng bức hoặc bắt buộc trẻ em để phục vụ trong các xung đột vũ trang; b) Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em làm mại dâm, tham gia sản xuất văn hoá phẩm khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm; c) Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em tham gia các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là hoạt động sản xuất và buôn bán các chất ma tuý như đã được xác định trong các điều ước quốc tế có liên quan; d) Sử dụng trẻ em trong những công việc mà tính chất và hoàn cảnh làm việc có thể xâm hại đến sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của trẻ em. Công ước này cũng xác định rõ, khi tham gia thì cơ quan có thẩm quyền của quốc gia phải xác định những nơi tồn tại các công việc nguy hại sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động có liên quan và phải định kỳ xem xét, sửa đổi danh mục các công việc nguy hại khi cần thiết.

 

2. Pháp luật các nước về tuyển dụng, sử dụng lao động trẻ em

Để nội luật hóa nội dung hai Công ước này, nhiều quốc gia đã có những cách thức khác nhau để quy định thành các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, bóc lột sức lao động. Nhìn chung, nội dung các văn bản pháp luật của các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Philipine, Nepal, Trung Quốc… thường đề cập đến độ tuổi tối thiểu mà trẻ em được tham gia lao động; điều kiện, thủ tục tuyển dụng và những trường hợp, ngành nghề, công việc không được sử dụng trẻ em lao động. Cụ thể:

 

2.1. Về độ tuổi lao động tối thiểu

Theo pháp luật của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Philipine... thì  tuổi lao động tối thiểu của trẻ em thường là từ 15 tuổi trở lên. Chẳng hạn, Điều 64 Luật Tiêu chuẩn lao động Hàn Quốc năm 1997 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007), Điều 139 Luật Lao động của Philipin năm 1974, Điều 63 Bộ luật Lao động của Nga năm 2001, Điều 249 Bộ luật Lao động của Azerbaijan năm 1999 quy định người lao động là người từ 15 tuổi trở lên, trừ trường hợp khác được pháp luật cho phép. Điều 6 Bộ luật Lao động của Việt Nam cũng quy định tương tự. Tuy nhiên, quy định của một số nước như Điều 2 Những quy định về cấm lao động trẻ em của Trung Quốc năm 2002 và Bộ luật Tiêu chuẩn việc làm sửa đổi của Canada năm 2006 lại nâng độ tuổi tối thiểu được phép lao động là 16 tuổi. Mức tuổi tối thiểu để làm việc này là phù hợp với sự phát triển của trẻ em, để trẻ em có thể bước đầu tiếp xúc, làm quen với những công việc nhẹ nhàng mà không ảnh hưởng đến sự phát triển về trí lực và thể lực của trẻ em.

 

2.2. Điều kiện, thủ tục tuyển dụng lao động trẻ em

Luật lao động trẻ em của Nepal tại Chương 2 và Chương 3 quy định cấm tuyển dụng trẻ em vào làm việc bằng việc dụ dỗ, lừa dối hoặc đe dọa, ép buộc hoặc bất kỳ hình thức nào trái với mong muốn của trẻ em. Người sử dụng lao động muốn tuyển trẻ em vào làm việc phải tuân theo những quy định sau:

Thứ nhất, phải làm đơn gửi cơ quan lao động xin phép được tuyển dụng trẻ em vào làm việc. Trong đơn phải có các nội dung sau: tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; tên và địa chỉ của nhà quản lý; ngày hoạt động của cơ sở; nghề nghiệp hoặc công việc do cơ sở tiến hành; tên và địa chỉ, tuổi của đứa trẻ; tên và địa chỉ của cha, mẹ, hoặc người giám hộ của đứa trẻ; ngày mà đứa trẻ được tuyển dụng; tính chất của công việc do đứa trẻ tiến hành; tổng số tiền và quyền lợi khác mà đứa trẻ được hưởng; giấy xác nhận về công việc phù hợp với trẻ.

Thứ hai, phải được sự đồng ý của cơ quan lao động có liên quan hoặc bất kỳ cơ quan khác hoặc quan chức được chỉ định bởi cơ quan đó và bởi cha, mẹ hay người giám hộ của đứa trẻ. Quy định này cũng tương tự như quy định tại Điều 66 Luật Tiêu chuẩn lao động Hàn Quốc: người dưới 18 tuổi tham gia quan hệ lao động phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Thứ ba, phải nộp đơn cho cơ quan lao động để được cấp giấy phép về công việc trẻ em sẽ làm là phù hợp với khả năng và độ tuổi của trẻ em. Khi nhận được đơn này, cơ quan lao động sẽ yêu cầu cơ quan y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe của trẻ em và khi cơ quan y tế cấp giấy xác nhận trẻ em đủ sức khỏe để làm thì cơ quan lao động mới cấp phép cho sử dụng trẻ em. Giấy phép này có giá trị trong một năm. Các chi phí cho quá trình trên do người sử dụng lao động trả.

Như vậy, người sử dụng lao động muốn được sử dụng trẻ em lao động phải tuân theo những quy định rất chặt chẽ. Từ giai đoạn nộp đơn xin phép được tuyển dụng, phải được xác nhận là công việc phù hợp với trẻ em đến việc phải đảm bảo có sự đồng ý của trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ và cơ quan nhà nước thì mới được phép sử dụng trẻ em, luôn có sự hiện diện của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này sẽ đảm bảo cho việc không có sự vi phạm từ phía người sử dụng lao động và bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho trẻ em khi tham gia quan hệ lao động, tránh hiện tượng trẻ em bị bóc lột, bị lạm dụng sức lao động. So sánh quy định trên với quy định về tuyển dụng lao động của pháp luật Việt Nam, chúng ta thấy, pháp luật Việt Nam chưa đề cập tới điều kiện, trình tự tuyển dụng như pháp luật của Nepal. Điều 16 của Bộ luật Lao động Việt Nam chỉ đề cập tới quyền của người lao động có thể đăng ký để tìm việc hoặc tự tìm việc, còn người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển chọn lao động, mà chưa nêu cụ thể các điều kiện, nghĩa vụ, trình tự mà người sử dụng lao động phải tuân theo để có thể được tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi, nhất là đối với những trẻ em dưới 15 tuổi.

 

2.3. Những ngành nghề, công việc cấm tuyển dụng lao động trẻ em

Pháp luật các nước đã tiến hành nội luật hóa Công ước số 182 về Cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất theo cách thức khác nhau: có nước chỉ quy định mang tính khái quát, có nước quy định thành điều kiện hoặc quy định chi tiết thành từng lĩnh vực, ngành nghề cấm tuyển dụng các em.

Điểm 5 (4) Luật Thương thuyền và Tầu đánh cá của Anh năm 1998 quy định cấm sử dụng người dưới 18 tuổi làm những công việc ảnh hưởng đến thể lực, trí lực, công việc tiếp xúc với chất độc hại, tia xạ, ở nơi quá nóng, quá lạnh, có độ ồn, độ rung cao, ảnh hưởng đến gien, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Hoặc Luật Tiêu chuẩn tuyển dụng của Mỹ, phần Các quy định lao động trẻ em, tại điểm 29 CFR 570.117 có nêu cấm tuyển nhân công từ 16 tuổi đến 18 tuổi vào làm những công việc nguy hiểm hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tâm lý của nhân công, hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ và lao động nặng quá sức đối với họ.

Có thể nói, cách quy định mang tính khái quát như trên sẽ rất khó đi vào thực tế và người áp dụng hay thi hành cũng không biết được những trường hợp nào, công việc cụ thể nào được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi.

Còn Luật lao động trẻ em của Nepal lại quy định thành những lĩnh vực cấm sử dụng lao động trẻ em tại điểm 3, Chương 2, như: lĩnh vực du lịch hoặc liên quan gồm: du lịch, nhà ở, nhà nghỉ, khách sạn, sòng bạc, nhà hàng, quán bar, quán rượu, nhà điều dưỡng, trượt tuyết, cưỡi ngựa…; nghề định hướng dịch vụ: hội thảo, thí nghiệm, kho lạnh; vận tải công cộng và nghề xây dựng; lĩnh vực liên quan đến sản xuất thuốc lá, dệt, nhuộm thảm, đánh sạch gỗ, dệt, lau, in và nhuộm vải, thuộc da, sản xuất và đóng gói ximăng, sản xuất và bán, phân phối, diêm, chất nổ và chất dễ cháy, sản xuất bia, rượu và đồ uống, sản xuất xà phòng, sản phẩm nhựa đường, bột giấy và sản phẩm giấy, đá phiến, sản xuất bút chì, sản xuất thuốc trừ sâu, sản phẩm từ dầu mỏ, nhặt rác; làm việc liên quan đến các sản phẩm năng lượng từ nguồn nước, không khí, nắng, than đá, khí ga, dầu mỏ, bioga và các nguồn tương tự khác và việc truyền, phân phối có liên quan.

Cách quy định này cấm tuyệt đối trẻ em tham gia trong các lĩnh vực đã được liệt kê. Tuy nhiên, nó cũng làm hạn chế cơ hội việc làm của trẻ em khi mà trong mỗi lĩnh vực kể trên có những công đoạn, công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe, khả năng của trẻ em.

Khác với cách quy định như trên, pháp luật lao động Philipine lại nội nội luật hóa Công ước 182 theo hướng một mặt vừa cụ thể hóa nội dung điều khoản của Công ước, mặt khác lại có những văn bản pháp quy riêng để quy định thành danh mục ngành nghề, công việc cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi. Lệnh số 65-04 về Nguyên tắc và quy định thực hiện Luật công số 9231, sửa đổi Luật số 7610 của Philipine tại Mục 5 đã quy định cụ thể điểm (d) Điều 3 Công ước số 138 như sau: công việc, mà tính chất hay trong các trường hợp được thực hiện mà nguy hiểm hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức của trẻ em như: tước đoạt, hạ thấp danh dự nhân phẩm của trẻ; khiến trẻ bị lạm dụng về thể chất, tinh thần hoặc tình dục, hoặc có nguy cơ cao gây tổn hại đến đạo đức, tâm lý của trẻ; được thực hiện dưới mặt đất, dưới nước hoặc ở độ cao nguy hiểm; liên quan đến việc sử dụng máy móc nguy hiểm, thiết bị, công cụ nguy hiểm; khiến trẻ tiếp xúc với nguy hiểm; được thực hiện trong môi trường không đảm bảo sức khoẻ, khiến trẻ tiếp xúc với điều kiện độc hại, chất, nhân tố nguy hại hay quá trình xử lý liên quan đến chất phóng xạ, lửa, chất dễ cháy, chất độc hoặc tương tự hoặc với nhiệt độ cao, tiếng ồn, độ rung quá mức; được thực hiện trong điều kiện khó khăn; khiến trẻ tiếp xúc với các nhân tố như vi khuẩn, virút, mầm bệnh; liên quan đến sản xuất hoặc kiểm soát chất nổ.

Lệnh số 04 của Philipine có hẳn một danh mục nghề nguy hiểm (trong đó có nêu cả điều kiện) cấm sử dụng người trẻ tuổi gồm: a) đánh cá, săn bắt, khai thác gỗ và nghề có liên quan;b) hầm mỏ, và các nghề liên quan như: người vận hành điều khiển máy, thiết bị nghiền đá, băng tải, máy nén, nồi hơi, bể chứa khí, gas; đốt nhiên liệu; xẻ đá; làm việc dưới mặt đất; c) vận tải, viễn thông và nghề hàng hải lái tầu như: đội viên chữa cháy; lái hoặc vận hành xe ủi đất, cần trục, thiết bị kéo, toa moóc, máy kéo, cần trục, máy đào, máy tải, xe tải, buýt, taxi; đốt than vận hành máy; d) thợ thủ công, sản xuất, xử lý và các nghề có liên quan như: xe sợi, cuốn chỉ; thợ nhuộm; người làm công cụ, cơ khí, thợ nồi hơi, thợ hàn, thợ mạ; lắp đặt, sửa chữa điện thoại và viễn thông; lắp đường điện; thợ nối dây điện, cáp; thợ xử, người vận hành máy cắt gỗ; sản xuất gạch, kính, đồ sứ, bia rượu; e) dịch vụ, thể thao và công việc liên quan như: lính chữa cháy, bảo vệ, lái tầu, phục vụ trên máy bay, quầy rượu, soát vé xe; nữ phục vụ trong nhà tắm; nữ hộ tống cho nam; trông giữ ở nơi tục tĩu; làm ở sòng bạc, cá độ; nâng, mang, cầm và di chuyển vật nặng; g) công việc mang tính chuyên nghiệp như: dịch vụ cá nhân nữ ở quán bar, phòng cocktail, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở massage và nơi uống khác; h) tất cả các nghề nghiệp trong quá trình xử lý và chế biến chất ma tuý, chất hoá học; i) tất cả các nghề trong quá trình sản xuất, kiểm soát và vận chuyển chất nổ, chất độc, chất cháy; k) tất cả các hoạt động trong phòng làm việc, toà nhà hoặc bất kỳ nơi nào mà lưu giữ chất phóng xạ rađium, giữ hoặc xử lý hoặc sử dụng chất luminous và các chất phóng xạ khác.

Ngoài những ngành nghề, công việc trên, Luật công số 7610 của Philipine năm 1992 còn quy định thêm về cấm tuyển dụng các em trong việc quảng cáo tiêu thụ rượu bia, nước uống có cồn, thuốc lá và các sản phẩm mang tính bạo lực.

So với cách thức quy định của các nước khác, ta thấy việc quy định những ngành nghề, công việc cụ thể cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi của Philipine sẽ rất dễ áp dụng trong thực tế. Người sử dụng lao động hoặc những người thực thi pháp luật chỉ cần nhìn vào danh mục đó là sẽ biết công việc mà các em làm có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, cách thức quy định như vậy cũng cần phải thực hiện thêm hoạt động thường xuyên cập nhật danh mục những ngành nghề, công việc cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của điểm 3 Điều 4 Công ước số 182 về việc yêu cầu các nước thành viên tham gia Công ước cần định kỳ xem xét và chỉnh sửa về danh mục công việc cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi.

Cách quy định trên của Philipine cũng tương tự như cách quy định của Việt Nam. Việt Nam cũng ban hành những văn bản riêng (như Thông tư 09/TT-LB ngày 13/4/1995 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên; Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 9/12/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về việc hướng dẫn, quy định danh mục chỗ làm việc, công việc không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm) quy định cụ thể những ngành nghề, công việc cấm sử dụng người lao động dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, so với nội dung danh mục lĩnh vực, ngành nghề, công việc cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi của một số nước trên thì trong pháp luật của Việt Nam còn nhiều lĩnh vực, ngành, nghề chưa được nêu như: sản xuất bia rượu, xà phòng, sản xuất gạch, kính, đồ sứ, vận chuyển chất độc, chất dễ cháy, các công việc liên quan đến các sản phẩm năng lượng từ khí ga, dầu mỏ, dệt, nhuộm, thuộc da, nhặt rác, cưỡi ngựa… Hiện tại ở Việt Nam đang nổi lên những lĩnh vực, ngành nghề, công việc độc hại, nguy hiểm thu hút đông lao động dưới 18 tuổi tham gia mà vẫn chưa được cập nhật, bổ sung vào danh mục ngành nghề, công việc cấm như: đua ngựa, đãi, tuyển vàng, đá đỏ, khai thác đá, đập đá thủ công, nhặt rác phế liệu, bán rong, đánh cá trên biển, làm tại các phòng vẽ tranh, chụp ảnh người mẫu khoả thân, phục vụ khách ăn uống tại các phòng ăn, phòng hát karaoke, hát với khách tại các quán ca cổ, câu lạc bộ ca cổ, phục vụ khách tắm tại các cơ sở tắm nước thuốc, thảo dược… Điều này cho thấy công tác cập nhật, bổ sung định kỳ vào danh mục cấm lao động trẻ em những ngành, nghề mới còn chưa kịp thời và hầu như từ khi ban hành cho đến nay, danh mục đó chưa được bổ sung, sửa đổi.

Ngoài những quy định trên, pháp luật của một số nước (như Trung Quốc) còn đề cập đến trách nhiệm của cả các tổ chức, cá nhân, cơ quan trong việc để người lao động dưới 18 tuổi bị sử dụng trái phép. Theo Điều 12 Luật về cấm lao động trẻ em của Trung Quốc, thì các cơ quan, quan chức quản lý của Nhà nước sẽ phải chịu hình phạt như kỷ luật, giáng chức; trong trường hợp nặng sẽ bị tước quyền hoặc sa thải; trong trường hợp có liên quan đến tội phạm, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự về tội phạm có liên quan đối với các hành vi: thanh tra mà phát hiện ra việc sử dụng lao động trẻ em, nhưng không cho dừng, khắc phục hoặc xử lý trường hợp đó; cảnh sát phục vụ trong các cơ quan an ninh công cộng mà có lỗi hoặc vi phạm quy định về việc kiểm soát, xác minh độ tuổi, căn cước của người lao động; quan chức từ các cơ quan có thẩm quyền quản lý các vấn đề thương mại và ngành nghề mà cấp phép cho cá nhân kinh doanh khi thấy rằng họ có sử dụng người vị thành niên dưới 16 tuổi trái phép.

So với pháp luật của nhiều nước thì đây là những quy định mới, quy định ngay trong một văn bản luật chuyên ngành cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong việc để xảy ra tình trạng sử dụng lao động trẻ em trái phép. Điều đó sẽ giúp cho việc áp dụng dễ dàng, ít phải viện dẫn từ những văn bản khác. Ngoài ra, nó cũng giúp nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong công tác bảo vệ người lao động dưới 18 tuổi.

 

3. Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tuyển dụng, sử dụng lao động trẻ em

Qua các công ước quốc tế và kinh nghiệm của một số quốc gia về việc tuyển dụng, sử dụng người lao động dưới 18 tuổi nói trên và để góp phần hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam đối với người lao động dưới 18 tuổi, chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

1. Ban hành một văn bản pháp quy để quy định cụ thể về điều kiện, trình tự tuyển dụng người lao động dưới 18 tuổi, nhất là đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

2. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những điều kiện, danh mục ngành nghề, công việc cấm sử dụng người lao động dưới 18 tuổi (nhất là đối với Thông tư số 09/TT-LB và Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT). Để pháp luật có tính khả thi thì trước khi ban hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá về những điều kiện, danh mục ngành nghề, công việc cấm sử dụng người lao động dưới 18 tuổi và tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số quốc gia khác.

3. Ngoài những quy định hiện tại về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sử dụng trái phép người lao động dưới 18 tuổi, cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật lao động về sử dụng người lao động dưới 18 tuổi ngay trong các văn bản luật chuyên ngành lao động.

 

(1) Theo Công ước số 138 và Công ước số 182 thì người lao động dưới 18 tuổi được gọi là lao động trẻ em.

ThS. Trần Thắng Lợi - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến