/ / / /

Hàng ngàn doanh nghiệp vẫn sẽ “khóc” vì Nghị định 01


Hàng ngàn doanh nghiệp vẫn sẽ “khóc” vì Nghị định 01



Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn DN K và Cộng sự cho rằng, Điều 8 Nghị định 01 quy định, "hạn chế chuyển nhượng cổ phần thuộc đợt chào bán riêng lẻ trong vòng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán" là trái với Luật DN và Bộ luật Dân dự về quyền sở hữu cổ phần. Luật DN chỉ giới hạn 2 trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần là cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập, nhưng Nghị định 01 lại quy định thêm một trường hợp như trên. Do đó, nên bãi bỏ Nghị định 01.

Kiến nghị trên nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Theo ông Phạm Khắc Nam, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Ninh, vì một số quy định không rõ ràng của Nghị định 01, nên Sở phải tạm ngừng nhận hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn của các DN. Khi chưa có Nghị định 01, DN tăng vốn bằng chào bán cổ phần được thực hiện khá đơn giản, bởi sau khi tăng vốn xong, DN chỉ cần khai báo thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với Sở KH&ĐT. Nhưng theo Nghị định 01, hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ gồm rất nhiều thủ tục: báo cáo, quyết định của ĐHCĐ hoặc HĐQT thông qua phương án chào bán cổ phần, tiêu chuẩn đối tác; quyết định của HĐQT thông qua danh sách đối tác… Hồ sơ này phải gửi lên Sở KH&ĐT xem xét trước khi tăng vốn. Tăng vốn xong DN lại phải báo cáo Sở về nội dung đợt tăng vốn.

"Những quy định như vậy vừa không đạt mục tiêu quản lý nhà nước về phát hành riêng lẻ, vừa gây cản trở cho DN khi tăng vốn, bởi vậy nên xem xét bãi bỏ Nghị định 01", ông Nam nói.

Cũng có ý kiến đề nghị nên sửa Nghị định 01 theo hướng đưa DN chưa phải công ty đại chúng (CTĐC) ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Nghị định 01. Khi đó, các DN này thực hiện tăng vốn qua Sở KH&ĐT như quy định hiện hành, còn Nghị định 01 sửa đổi chỉ điều chỉnh hoạt động phát hành của CTĐC.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho hay, theo quy định của Luật Chứng khoán sửa đổi, hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là CTĐC được thực hiện theo quy định của Luật DN và các quy định có liên quan, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn chỉ điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của CTĐC. UBCK đang khẩn trương hoàn tất dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó có quy định chi tiết về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với các CTĐC, để sớm đưa vào thực hiện.

Hiện cả nước có 106.000 CTCP, trong khi số lượng CTĐC đăng ký mới là 2.000 DN. Rõ ràng, giải pháp trên mới chỉ gỡ khó cho thiểu số DN, trong khi vẫn để ngỏ đáp án cho câu hỏi mà phần lớn DN chưa phải là CTĐC đặt ra là họ sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ ra sao?

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, giải pháp trên chẳng khác nào "đau đẻ chờ sáng trăng", bởi dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi nhanh thì ngày 1/7/2011 mới có hiệu lực, nên nếu từ nay đến thời điểm đó không sửa gấp Nghị định 01 thì vướng mắc của DN vẫn không được tháo gỡ. Do vậy, VCCI sẽ cùng với các DN, luật sư gấp rút soạn thảo dự thảo Nghị định 01 sửa đổi gửi kèm các đề xuất của cộng đồng DN lên Chính phủ, để kiến nghị sớm ban hành.

 






Luật sư Nguyễn Quang Vũ, Công ty Luật Vilaf Hồng Đức

Nghị định 01 gây tranh cãi ngay từ khi được ban hành, nhưng vẫn chưa được sửa đổi và hướng dẫn. Và cũng không hiểu tại sao một số hướng dẫn Nghị định 01 của UBCK đăng trên trang web của UBCK lại bị dỡ bỏ.

Nghị định 01 nêu rõ: "Nghị định này quy định về hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ… của các CTCP thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam". Vậy việc chào bán chứng khoán của CTCP Việt Nam ra nước ngoài có chịu sự điều chỉnh của Nghị định 01 hay không? Ngoài ra, chào bán trái phiếu chuyển đổi hay các loại chứng khoán chuyển đổi khác, cũng như việc chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu có chịu sự điều chỉnh của Nghị định 01 hay không? Cần quy định rõ khái niệm "chào bán" cũng như "đợt chào bán". Theo tôi, cùng một vấn đề chỉ cần một cơ quan soạn thảo, cần nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư Hoàng Tuấn, Công ty Luật Vision & Associates

Nghị định 01 liệu có áp dụng với trường hợp phát hành cho cán bộ, nhân viên của công ty, theo chương trình ESOP 5%? Nếu có thì thực hiện thế nào?

Nghị định 01 quy định: "Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho tổ chức đăng ký biết" và "Trường hợp quá 15 ngày sau thời hạn quy định… mà tổ chức chào bán không nhận được ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức chào bán được tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ theo hồ sơ đã đăng ký". Như vậy, sau khi nộp hồ sơ, làm sao DN biết là hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để tính thời hạn và trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đưa ra ý kiến gì thì tổng thời gian mà DN phải chờ là 15 ngày hay 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ?

 




Hữu Hòe - Kim Lan - ĐTCK


 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến