DN được tạo lôgô, hoặc quảng cáo trên hóa đơn
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP (Nghị định 51) của Chính phủ đã đi vào cuộc sống được hơn 1 tháng. Tuy nhiên, chính người trong cuộc là các doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc, đặc biệt là các DN kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù có sử dụng nhiều hoá đơn như vận tải, ngân hàng, viễn thông…
Trao đổi với Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Vũ Thị Mai xung quanh việc triển khai các quy định mới về việc tạo, phát hành, quản lý hóa đơn từ ngày 1/1/2011, bà Mai cho biết, các thắc mắc của DN trong quá trình thực thi Nghị định 51 đã, đang và vẫn tiếp tục được Tổng cục Thuế phối hợp với các cơ quan chức năng giải đáp, hướng dẫn, nhằm đảm bảo chính sách mới đi vào cuộc sống được thuận lợi.
Đối với các thắc mắc về tiêu thức ghi trên hóa đơn, Phó Tổng Cục trưởng Vũ Thị Mai cho biết, quy định về ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hóa đơn là các tiêu thức bắt buộc và phải đúng quy định. Vì vậy các tổ chức, cá nhân in hóa đơn phải đảm bảo in đúng các tiêu thức này trên hóa đơn.
Trường hợp các tiêu thức bắt buộc khác trên hóa đơn của DN đã in phản ánh đúng tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, xác định được nội dung hoạt động kinh tế phát sinh, số tiền thu được, xác định được người mua hàng (hoặc người nộp tiền, người thụ hưởng dịch vụ…), người bán hàng (hoặc người cung cấp dịch vụ…), tên hàng hóa dịch vụ - hoặc nội dung thu tiền…thì hóa đơn vẫn được chấp nhận.
Riêng đối với hoá đơn xuất khẩu, nội dung bắt buộc trên hoá đơn xuất khẩu chỉ bao gồm: số thứ tự hoá đơn; tên, địa chỉ đơn vị xuất khẩu; tên, địa chỉ đơn vị nhập khẩu; tên hàng hoá, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền, chữ ký của đơn vị xuất khẩu. Các nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập nêu trên phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy.
Ngoài nội dung bắt buộc trên, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm các thông tin khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo lôgô, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo.
Hóa đơn điện, nước, điện thoại không có chữ ký người mua vẫn là hợp lệ
Hiện nay, nhiều DN thắc mắc về việc quy định sử dụng các loại chứng từ có giá trị như hóa đơn (như vé, thẻ, hóa đơn in sẵn của DN, hóa đơn xuất khẩu) cần phải có chữ ký của người mua và người bán trên chứng từ. Quy định này có vẻ không phù hợp với trường hợp hóa đơn mua xăng, điện, nước, điện thoại, bởi người mua thường không ký đủ vào 3 liên của hóa đơn.
Với thắc mắc này, Phó Tổng Cục trưởng Vũ Thị Mai cho biết, theo quy định thì chỉ có tem, vé, thẻ có mệnh giá in sẵn, hóa đơn xuất khẩu, hoá đơn tự in của tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại thành lập theo quy định của pháp luật, hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ viễn thông; hoá đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in không có chữ ký người mua thì vẫn được coi là hợp lệ.
Riêng tem, vé, thẻ có in sẵn mệnh giá thì không nhất thiết phải có cả chữ ký người mua và chữ ký người bán. Do đó trường hợp hóa đơn điện, hóa đơn nước, hóa đơn điện thoại không có chữ ký người mua thì vẫn được coi là hợp lệ.
Bà Mai cũng cho biết thêm, các DN chỉ cần đảm bảo hóa đơn do DN lập phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định, chứ DN không phải gửi văn bản để cơ quan thuế chấp thuận trước khi tự in hoặc đặt in hóa đơn. Đồng thời, DN cũng không phải gửi mẫu hóa đơn cho cơ quan thuế xét duyệt trước khi tiến hành in.
Hiện cả nước có hơn 350.000 DN thuộc diện tự in hoặc đặt in hóa đơn, trong đó chỉ có khoảng 10.000 DN đã quen với việc tự in và đặt in hóa đơn. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2011 sẽ còn hơn 30% số DN là DN siêu nhỏ, DN ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện tự in hóa đơn sẽ phải chuyển sang tự in và đặt in. Vì vậy, các DN này rất cần chủ động phối hợp với cơ quan thuế chuyển đổi sớm ngay từ Quý II, III/2011, không để đến cuối năm 2011 dồn vào một thời điểm sẽ tạo áp lực về tự in và đặt in, gây khó khăn cho chính DN. |
Theo VGP News
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook