Tranh chấp mua bán vàng trên sàn: Khó xử !
Hai vụ án có nội dung y hệt nhau, chỉ khác tên, địa chỉ của bị đơn và số tiền phải trả nhưng cấp phúc thẩm giải quyết theo hai hướng…
Năm 2007, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đưa ra hình thức đầu tư kinh doanh vàng. Theo đó, người tham gia đầu tư vàng trực tiếp ký các hợp đồng giao dịch vàng kiêm hợp đồng cấp tín dụng hạn mức và hợp đồng cầm cố số dư tài khoản VNĐ/vàng. ACB sẽ cung cấp hạn mức tín dụng cho người tham gia đầu tư. Người tham gia đầu tư trực tiếp giao dịch, đặt lệnh mua bán tại trung tâm giao dịch vàng thông qua đại diện của ACB ở đó. Người tham gia đầu tư phải nộp một khoản tiền ký quỹ trên tài khoản và lỗ lãi khi mua bán vàng trên sàn được khấu trừ vào tài khoản.
Hai vụ tương tự, hai hướng giải quyết
Năm 2008, Công ty TNHH Đông Dương đã ủy quyền cho 22 cá nhân là nhân viên công ty trực tiếp ký kết, thực hiện việc giao dịch vàng. Trong đó, có bảy trường hợp có số dư nợ nhưng không thanh toán cho ACB nên bị ACB khởi kiện ra TAND TP Hà Nội.
Tháng 9-2009, TAND TP Hà Nội xử vụ đầu tiên giữa ACB với ông TĐM, nhân viên Đông Dương. Tòa xác định Đông Dương là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì đã ủy quyền cho ông M. giao dịch trên sàn vàng, nhân danh công ty mở tài khoản cá nhân và thực hiện các giao dịch dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của công ty. Tòa xác định hợp đồng giao dịch có hiệu lực và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ACB, buộc ông M. cùng Đông Dương liên đới trả cho ngân hàng số dư nợ. Sau đó, ông M. và Đông Dương kháng cáo. Tháng 4-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm với lý do cần bổ sung người tham gia tố tụng.
Tháng 2-2010, TAND TP Hà Nội xử vụ thứ hai giữa ACB với bà NTVA, nhân viên Công ty Đông Dương và cũng ra phán quyết tương tự như trên. Tháng 8-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm lại không hủy án mà chỉ sửa án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm cho rằng hợp đồng giao dịch vàng giữa ACB và bị đơn là vô hiệu vì hình thức kinh doanh giao dịch trên sàn vàng là hình thức kinh doanh mới, cần phải có giấy phép hoạt động. Việc ACB kinh doanh giao dịch vàng trên sàn là chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động.
Tòa sơ thẩm không dám xử tiếp
Hai vụ án có nội dung y hệt nhau, chỉ khác tên, địa chỉ của bị đơn và số tiền phải trả nhưng cấp phúc thẩm lại giải quyết theo hai hướng khiến TAND TP Hà Nội phản ứng.
Theo TAND TP Hà Nội, vụ thứ nhất, cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm nhưng không phải do cấp sơ thẩm xác định hợp đồng giao dịch vàng có hiệu lực. Vụ thứ hai, cấp phúc thẩm lại sửa án sơ thẩm và quyết định tuyên hợp đồng giao dịch vàng giữa nguyên đơn và bị đơn vô hiệu.
Trong vụ thứ nhất, Ủy ban Thẩm phán TAND TP Hà Nội cho rằng cấp phúc thẩm hủy án là không chính xác. Bởi lẽ ông M. đứng tên mở tài khoản thì những người sử dụng tài khoản này để giao dịch đều phải có giấy ủy quyền của ông. Trách nhiệm trả nợ là của ông M., không cần thiết đưa những người kia vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, bản án phúc thẩm cũng không hề đề cập đến việc ACB có hay không giấy phép hoạt động của sàn vàng và cũng không cho đó là lý do để hủy án.
Trong vụ thứ hai, Ủy ban Thẩm phán TAND TP Hà Nội cho rằng thực tế ACB có quyết định của thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc và thanh toán quốc tế... và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vì thế, ACB đủ điều kiện kinh doanh vàng bạc, không nhất thiết phải có thêm giấy phép thực hiện việc giao dịch mua bán vàng trên tài khoản. Đến nay, chưa hề có một văn bản của cơ quan có thẩm quyền nào kết luận rằng việc kinh doanh này của ACB là trái pháp luật.
Mặt khác, ngày 30-12-2009, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ đạo: “Không tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức. Chậm nhất trong 90 ngày kể từ ngày có kết luận này, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng phải chấm dứt hoạt động”. Như vậy, không thể cho rằng việc giao dịch vàng trên tài khoản trước ngày 30-12-2009 là trái pháp luật để tuyên bố hợp đồng giao dịch vàng giữa ngân hàng và các cá nhân vô hiệu.
Trước việc cấp phúc thẩm chưa nhất quán trong đường lối xét xử, với năm vụ tranh chấp tương tự còn lại giữa ACB với nhân viên Đông Dương, TAND TP Hà Nội đành để đó, không dám xử tiếp vì không biết số phận các bản án của mình sẽ ra sao.
Cần hướng dẫn thống nhất Tại hội nghị triển khai công tác năm 2011 của ngành tòa án, TAND TP Hà Nội đã đề nghị TAND Tối cao có định hướng thống nhất trong nhận thức về các hoạt động thương mại mà luật không quy định, không cấm, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào xác định là trái pháp luật. Đồng thời, giải thích rõ về việc có đăng ký kinh doanh vàng thì có được giao dịch kinh doanh trên sàn vàng không, thống nhất việc tuyên hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả có phải giải quyết trong cùng một vụ án hay không... Thực tế hiện nay nhiều vụ tranh chấp hợp đồng kinh doanh sàn vàng, cấp sơ thẩm cho rằng không vô hiệu nhưng cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm lại nhận định hợp đồng vô hiệu... |
HOÀNG YẾN
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook