/ / / /

Bàn về khái niệm quyết định của trọng tài nước ngoài theo bộ luật tố tụng dân sự 2004


Bàn về khái niệm quyết định của trọng tài nước ngoài theo bộ luật tố tụng dân sự 2004
Theo quy định pháp luật hiện hành, quyết định của Trọng tài thương mại được chia ra làm hai loại: quyết định của Trọng tài nước ngoài và quyết định của Trọng tài trong nước. Việc xác định đúng hai loại quyết định trọng tài này có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tế bởi lẽ mỗi loại quyết định lại có cơ chế công nhận và cho thi hành riêng.

Quyết định của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành theo các quy định tại Phần VI của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (BLTTDS). Trong khi đó, việc công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài trong nước lại được thực hiện theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 (PLTT).

Hiện nay, cơ sở pháp lý để phân biệt quyết định của Trọng tài nước ngoài với quyết định của Trọng tài trong nước là khoản 2 Điều 342 BLTTDS. Bài viết này sẽ xem xét tính hợp lý và hướng hoàn thiện khái niệm quyết định của Trọng tài nước ngoài được ghi nhận trong điều luật này.

Những bất cập trong khái niệm quyết định của Trọng tài nước ngoài

Khoản 2 Điều 342 BLTTDS quy định: “Quyết định của Trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại, lao động”. Như vậy, một quyết định trọng tài sẽ được coi là quyết định của Trọng tài nước ngoài nếu thỏa mãn đồng thời hai dấu hiệu: (1) quyết định đó được tuyên bởi “Trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp” bất kể rằng quyết định đó được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam hay trong lãnh thổ Việt Nam; và (2) tranh chấp được giải quyết bởi quyết định đó “phát sinh từ các quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại, lao động”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cả hai dấu hiệu này đều có những điểm chưa thực sự hợp lý. Cụ thể như sau:

Đối với dấu hiệu thứ nhất, quyết định của Trọng tài nước ngoài là “quyết địnhđược tuyên ngoài hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài nước ngoài” vừa có điểm không rõ ràng, vừa không phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài 1958 (Công ước New York) mà Việt Nam đã gia nhập và thông lệ quốc tế vì những lý do sau đây:

 

Một là, khoản 2 Điều 342 BLTTDS không nêu ra bất cứ tiêu chí rõ ràng nào để xác định như thế nào là “quyết định của Trọng tài nước ngoài”. Vì điều luật này đã loại trừ việc sử dụng tiêu chí lãnh thổ, nên tiêu chí khả dĩ nhất có thể áp dụng ở đây là tiêu chí quốc tịch. Thế nhưng, điều không rõ ràng là việc xác định quyết định của Trọng tài nước ngoài sẽ dựa trên quốc tịch của chủ thể nào (Trọng tài viên hay Hội đồng trọng tài?). Nếu dựa vào quốc tịch của Trọng tài viên, thì vướng mắc sẽ nảy sinh khi trong Hội đồng trọng tài vừa có Trọng tài viên là người Việt Nam, vừa có Trọng tài viên là người nước ngoài[1]. Còn nếu dựa vào quốc tịch của cơ quan giải quyết tranh chấp thì rất khó xác định được quốc tịch của cơ quan này trong trường hợp Trọng tài vụ việc (Trọng tài ad hoc).

Hai là, quy định như khoản 2 Điều 342 BLTTDS là không phù hợp với Công ước New York và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, tiêu chí cơ bản để xác định một quyết định của Trọng tài nước ngoài hay không là nơi ra quyết định trọng tài. Khoản 1 Điều I Công ước New York quy định “công ước này sẽ áp dụng đối với việc công nhận và cho thi hành các quyết định trọng tài được tuyên ở một quốc gia không phải là quốc gia nơi quyết định trọng tài được xin công nhận và cho thi hành”. Thông lệ này bắt nguồn từ một nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế, đó là, luật điều chỉnh tố tụng trọng tài (bao gồm cả các quy định pháp luật liên quan đến hình thức và hiệu lực của phán quyết trọng tài) là luật pháp của quốc gia sở tại (lex arbitri), bất kể quốc tịch của Trọng tài viên và Hội đồng trọng tài, trừ phi luật pháp của quốc gia đó cho phép việc áp dụng pháp luật của quốc gia khác[2].Cơ sở của nguyên tắc này chính là nguyên tắc về chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 342 BLTTDS, một quyết định trọng tài được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam lại không được coi là quyết định của Trọng tài nước ngoài nếu quyết định đó không do Trọng tài viên hay Hội đồng trọng tài nước ngoài ban hành.

Trong khi đó, cũng theo khoản 2 Điều 342, quyết định trọng tài được tuyên bởi Trọng tài viên hay Hội đồng trọng tài nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam lại có thể được coi là quyết định của Trọng tài nước ngoài. Điều này là không hợp lý vì về nguyên tắc tố tụng trọng tài diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam thì phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Trong các văn bản pháp luật hiện hành về trọng tài thương mại của nước ta không hề có bất cứ quy định nào cho phép các bên tranh chấp được lựa chọn pháp luật nước ngoài làm luật điều chỉnh tố tụng trọng tài (procedural law). Điều đáng chú ý là khoản 2 Điều 7 và khoản 5 Điều 49 của PLTT chỉ cho phép việc lựa chọn pháp luật để giải quyết tranh chấp (substantive law) chứ không nói gì về việc lựa chọn pháp luật về tố tụng trọng tài.

Cũng cần nói thêm rằng khoản 1 Điều V Công ước New York có đề cập đến trường hợp quyết định trọng tài được tuyên trong lãnh thổ quốc gia nơi xin công nhận và thi hành quyết định trọng tài nhưng lại được quốc gia đó xem là quyết định của Trọng tài nước ngoài. Trên cơ sở lịch sử đàm phán công ước New York và theo cách hiểu được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, đây là trường hợp luật pháp của nước nơi trọng tài được tiến hành cho phép các bên tranh chấp được lựa chọn luật pháp của nước khác làm luật điều chỉnh tố tụng trọng tài[3]. Song, thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào như vậy và điều này được coi là cần thiết nhằm bảo đảm sự thống nhất trong việc thực thi Công ước New York[4].

Đối với dấu hiệu thứ hai, quyết định của Trọng tài nước ngoài không chỉ bao gồm những quyết định giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mại (như trong Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài 1995) mà còn cả những quyết định giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật kinh doanh, lao động cũng cần được xem xét lại. Cần nhắc lại rằng vào thời điểm mà BLTTDS được ban hành, đã có một số quyết định của Trọng tài nước ngoài bị Tòa án Việt Nam từ chối công nhận và cho thi hành với lý do tranh chấp không phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mại[5]. Nguyên nhân là vì, tại thời điểm đó, khái niệm quan hệ pháp luật thương mại thường được giải thích rất hẹp, trong phạm vi các hoạt động mua bán hàng hóa hoặc liên quan đến mua bán hàng hóa. Bởi vậy, có thể nói rằng đây là một sửa đổi tiến bộ của BLTTDS so với Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài 1995 vì nó đã mở rộng phạm vi các quyết định trọng tài được công nhận ở Việt Nam. Thế nhưng, với sự ban hành của Luật Thương mại 2005, thì việc sử dụng song song hai thuật ngữ “kinh doanh” và “thương mại” là rườm rà, không cần thiết và có thể gây hiểu nhầm rằng quan hệ pháp luật thương mại và quan hệ pháp luật kinh doanh là hoàn toàn khác biệt với nhau bởi lẽ theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại thì bất kỳ hoạt động nhằm mục đích sinh lợi nào cũng được coi là hoạt động thương mại.

Việc mở rộng phạm vi quyết định của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam đến cả quyết định của Trọng tài lao động cũng cần được cân nhắc một cách thận trọng. Trước hết, có thể nói rằng, Việt Nam không có nghĩa vụ công nhận và cho thi hành các phán quyết của Trọng tài lao động nước ngoài theo Công ước New York. Sở dĩ như vậy là vì Công ước này chỉ áp dụng đối với các quyết định của Trọng tài thương mại trong khi, cho đến nay, vẫn không có sự thống nhất giữa các quốc gia thành viên xung quanh vấn đề quan hệ thuê mướn lao động có phải là quan hệ thương mại hay không[6]. Đáng chú ý là các giải thích khoa học và án lệ liên quan đến thuật ngữ “thương mại”[7](commercial) trong Luật mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế đều cho rằng hợp đồng lao động không phải là hợp đồng thương mại[8].

Ngoài ra, Trọng tài lao động do các bên tranh chấp lựa chọn ở hầu hết các nước trên thế giới không đơn giản là một cơ chế giải quyết tranh chấp tư nhân như Trọng tài thương mại. Thành phần của Hội đồng trọng tài lao động thường bao gồm đại diện ba bên – người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước – trong đó, đại diện của cơ quan quản lý nhà nước thường giữ vai trò là chủ tịch hội đồng[9]. Bên cạnh đó, mức độ thừa nhận trọng tài tự nguyện với tư cách là một hình thức giải quyết tranh chấp lao động ở các nước khác nhau là rất khác nhau. Ở nhiều nước, pháp luật cho phép các bên trong tranh chấp lao động được sử dụng trọng tài tự nguyện và có cơ chế công nhận và cho thi hành các quyết định của hình thức trọng tài này[10]. Trong khi đó, có những nước lại hoàn toàn không thừa nhận trọng tài lao động do các bên thỏa thuận hoặc cho phép sử dụng trọng tài tự nguyện nhưng lại không thừa nhận tính bắt buộc thi hành của quyết định trọng tài[11].

Kết luận và hướng hoàn thiện khái niệm về quyết định của Trọng tài nước ngoài

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng khái niệm về quyết định của Trọng tài nước ngoài được ghi nhận tại khoản 2 Điều 342 BLTTDS hiện có những điểm chưa thực sự hợp lý, không rõ ràng, không phù hợp với Công ước New York và thông lệ quốc tế. Thiết nghĩ, những bất cập này cần được sửa đổi kịp thời nhằm tránh những vướng mắc có thể gặp phải trong thực tiễn công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài và bảo đảm việc thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực thi Công ước New York 1958. Trên cơ sở những phân tích về những bất cập trong khái niệm hiện hành về quyết định của Trọng tài nước ngoài, chúng tôi cho rằng khoản 2 Điều 342 BLTTDS nên được sửa đổi lại như sau: “Quyết định của Trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài do các bên thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại”.






[1] Tran Quang Chuc, Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards in VietnamJournal of International Arbitration, 2005, 22(6), tr. 487, 496

[2] Alan Redfern & Martin Hunter, Law and Practice of International Commercial Arbitration, London: Sweet & Maxwell, 1991, tr. 77–93.

[3] Xem, chẳng hạn, Van den Berg, The New York Arbitration Convention of 1958,Deventer/Netherlands: Kluwer Law and Taxation Publishers, 1981, tr. 22–28; Domenico Di Pietro & Martin Platte, Enforcement of International Arbitration Awards,London: Cameron May, 2001, tr. 23–24.

[4] Van den Berg, sđd, tr. 22–23; Domenico Di Pietro & Martin Platte, sđd, tr. 24.

[5] Truong Van Toan & Sesto E Vecchi, Enforcing a Foreign Arbitral Award in VietnamInternational Business Lawyer, 2001, 29(7), tr. 317, 321. Xem, chẳng hạn, Quyết định số 02/PTDS ngày 19/7/2002 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (vụ Công ty Tyco Services Singapore Pte Ltd yêu cầu công nhận và cho thi hành hai quyết định của trọng tài Australia).

[6] Richard Garnett & Kien Cuong Nguyen, The Enforcement of Arbitration Awards in Vietnam. Asian International Arbitration Journal, 2006, 2, tr.137, 50.

[7] Xem: Điều 1, Chú thích ** của Luật mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế.

[8] Xem, chẳng hạn, H Holtzmann & J Neuhas, A Guide to the UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration: Legislative History and Commentory,Deventer/Boston: Kluwer Law and Taxation Publishers, 1989, tr. 34 (được trích dẫn trong Richard Garnett & Kien Cuong Nguyen, tlđd, trang 150); Borowski v Heinrich Fiedler Perforiertechnik GmbH, (1994) CPC (3d), tr. 264, 277.

[9] International Labour Office, Conciliation and Arbitration Procedures in Labour Disputes, Geneva: International Labour Office, 1980, tr. 167–170.

[10] Như trên, tr.151 – 178.

[11] Như chú thích trên.

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến