/ / / /

Tranh chấp đất đai kiểu… luật rừng


Tranh chấp đất đai kiểu… luật rừng
Sau một thời gian điều tra, mới đây, cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Kuin, Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Công nhiên chiếm đoạt tài sản", bắt tạm giam Y Hơn Niê; đồng thời khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản", bắt tạm giam Lê Văn Đẳng để phục vụ điều tra.













Đối tượng Y Hơn Niê và đối tượng Lê Văn Đằng.


Cả hai vụ án đều xảy ra ở buôn Jung, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin và bắt nguồn từ những đòi hỏi, tranh chấp vô lý về đất đai của một số đối tượng dẫn đến vi phạm pháp luật, gây mất ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.

Theo kết quả điều tra của Công an huyện Cư Kuin, vào năm 1984, Nông trường cà phê Việt Đức II (nay là Công ty Cà phê Ea Sim) đóng trên địa bàn xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin có giao cho bà H A Êban, trú ở buôn Jung, xã Ea Ktur, là công nhân của nông trường, 0,8ha cà phê mới trồng để canh tác và nộp sản lượng theo quy định.

Đến năm 1993, do bà H A Êban không có khả năng chăm sóc nên để vườn xuống cấp và nợ sản lượng trên 6 tấn cà phê. Đây cũng là tình trạng chung ở các nông trường cà phê thời điểm này và để tránh bị phá sản, Nông trường cà phê Việt Đức II đã tiến hành sắp xếp lại diện tích cho phù hợp với khả năng kinh tế và nhân lực để tiến tới khoán gọn cho người lao động tự đầu tư chăm sóc vườn cây cho có hiệu quả.

Bà H A Êban được sắp xếp chăm sóc trên diện tích 0,5ha, 0,3ha còn lại được giao cho ông Y Siăm Niê ở cùng buôn chăm sóc. Thế nhưng bà H A Êban vẫn không có khả năng chăm sóc và vẫn nợ sản lượng với nông trường. Tuy nhiên, đến năm 1997, con gái của bà H A Êban là H'Tlức Êban cưới chồng là Y Hơn Niê về ở rể thì vợ chồng Y Hơn và H'Tlức bắt đầu có ý định đòi lại 0,3ha đất mà nông trường đã giao cho ông Y Siăm Niê. Nhiều lần gia đình Y Hơn viết đơn khiếu nại đòi lại diện tích đất này và các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần trả lời với nội dung những đòi hỏi của gia đình Y Hơn là không có cơ sở. Tuy nhiên, gia đình Y Hơn vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại.

Đến vụ cà phê năm 2007 thì ông Y Siăm giao diện tích này cho con gái là H'Lơ Măng Byă canh tác và đã được Công ty Cà phê Ea Sim là công ty chủ quản lúc này ký hợp đồng. Khiếu nại mãi không được, Y Hơn đã kích động 6 người khác là họ hàng trong buôn xông vào lô cà phê của chị H'Lơ Măng ngang nhiên hái cà phê.

Sau khi được đại diện của xã và nông trường đến giải thích việc làm đó là vi phạm pháp luật nên 5 người đã bỏ về, còn lại 2 vợ chồng Y Hơn vẫn tiếp tục hái được gần 2 tạ cà phê đem bán lấy tiền tiêu xài. Sau đó, gia đình Y Hơn đã tự ý vào lô đất này chăm sóc và thu hoạch, bất chấp những phản đối của chị H'Lơ Măng và những hòa giải của chính quyền địa phương.

Đồng cảnh với gia đình chị H'Lơ Măng là gia đình ông Phạm Đình Thắng trú ở xã Ea Ktur. Mặc dù khi thực hiện kế hoạch chuyển đổi của Nông trường cà phê Việt Đức II, Lê Văn Đẳng đã viết đơn thay mẹ vợ là bà H Ngua Êban trả lại 0,6ha cà phê canh tác không hiệu quả cho nông trường để giao khoán cho người khác, nhưng nhiều năm sau, khi lô đất này đã được giao cho ông Thắng canh tác thì Đẳng và vợ là H Nhanh Êban bắt đầu có ý định đòi lại. Đẳng và H Nhanh đã ngang nhiên vào lô cắm bảng cấm người nhà của ông Thắng vào canh tác rồi cho người nhà mình đến tưới cây, chăm sóc.

Trong khi Ban tự quản buôn Jung và các cấp chính quyền ở xã Ea Ktur đang nỗ lực giải quyết thì, vợ chồng Đẳng đã kéo khoảng 20 người trong buôn xông vào lô của ông Thắng để hái cà phê. Khi thấy người nhà ông Thắng cũng đang thu hoạch, vợ chồng Đẳng đã ngăn cản rồi dùng xăng đe dọa đốt các phương tiện thu hoạch. Khi Công an xã đến can thiệp thì Đẳng và một số đối tượng quá khích vẫn tiếp tục hái cà phê và chửi bới, lăng mạ mọi người. Vợ chồng Đẳng đã chiếm đoạt gần 3 tấn cà phê tươi của gia đình ông Thắng.

Những tranh chấp như 2 vụ án trên đây có nguyên nhân sâu xa xuất phát từ thực tế ở các nông trường cà phê cũ. Ở thời điểm này, do canh tác không hiệu quả, giá cà phê lại xuống thấp nên nhiều hộ nhận khoán vườn cây đã không có lời, thậm chí còn nợ sản phẩm nên đã trả lại vườn cây cho nông trường. Sau này khi cả đất và cà phê đều lên giá, do không hiểu biết về pháp luật, trình độ nhận thức hạn chế, bị đối tượng xấu kích động, một số người đã tìm cách lấy lại đất cũ bằng cách đi khiếu kiện hoặc tụ tập đông người để chiếm đoạt tài sản và chiếm đất một cách công khai, gây ảnh hưởng lớn đến ANTT. Việc khởi tố 2 vụ án trên thể hiện tinh thần xử lý cương quyết của chính quyền và Công an huyện Cư Kuin.

Thời gian tới, ngoài việc nhanh chóng điều tra xử lý dứt điểm và đưa ra xét xử 2 vụ án này để giáo dục, răn đe, thì trước hết, các cấp chính quyền ở các xã và huyện Cư Kuin cần phối hợp ngay với các công ty cà phê đóng trên địa bàn huyện tổ chức đến các buôn để tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu và thực hiện đúng pháp luật, tránh để kẻ xấu lợi dụng kích động gây mất ANTT.

 


Theo Viết Nghĩa (CAND)


 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến