Luật sư Vũ Ngọc Dũng - Truyền hình Invest TV - Sáp nhập EVN vào Viettel
Sáp nhập của EVN Telecom: Các chuyên gia ủng hộ Viettel
ICTnews - Chương trình "Nhân vật – Sự kiện TT&TT” với chủ đề "Chia tách và Sáp nhập: Bước tiến hay bước lùi của Viễn thông Việt Nam?” trên kênh VTC2, các chuyên gia cho rằng Viettel là ứng cử viên sáng giá nhất có khả năng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có của EVN Telecom.
Thị trường viễn thông Việt Nam hiện có 3 "nhà mạng” đang nắm giữ vị trí thống lĩnh là Viettel, MobiFone, VinaPhone. Tuy nhiên, MobiFone và VinaPhone đều thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và bản thân VNPT cũng đang phải đau đầu "tính toán” để giải quyết "bài toán” thoái vốn, sáp nhập cho 2 doanh nghiệp này.
"Viettel với hơn 36% thị phần đang là ứng cử viên sáng giá duy nhất có khả năng "gánh vác” được trách nhiệm điều hành hiệu quả hạ tầng mạng và trả hết các khoản nợ của EVN Telecom”, ông Lê Hồng Hà, Tổng Thư ký Hội Tin học Viễn thông Hà Nội khẳng định.
Một phân tích khác có thể cho thấy sự "hợp tình, hợp lý” khi EVN Telecom sáp nhập với Viettel, đó là phản ứng vui mừng của những người dùng dịch vụ của mạng Viễn thông Điện lực vì tin tưởng vào chất lượng dịch vụ của Viettel. Trước đây, sim EVN Telecom phải lắp liền với máy điện thoại, sau khi sáp nhập EVN Telecom với Viettel thì việc dùng sim này sẽ có thể dễ dàng, thuận tiện với các loại máy khác. Một chủ cửa hàng bán sim thẻ còn cho biết khi có thông tin sáp nhập 2 nhà mạng thì thẻ sim của EVN Telecom đã được nhiều người quan tâm hơn trước.
Bàn về việc Hanoi Telecom "tố” Viettel vi phạm quy định cạnh tranh, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính khuyến nghị Hanoi Telecom cần lưu ý khi lập luận về "độc quyền thị trường”. Viettel hiện nay cũng giống như MobiFone hoặc VinaPhone trước kia đều không ‘độc quyền” mà chỉ "thống lĩnh thị trường”. Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50 - 60% mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.
Hanoi Telecom cũng đã gần xa đề cập tới nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khởi kiện ra tòa quốc tế để đòi bồi thường với con số gấp nhiều lần so với 1 tỷ USD đã góp vốn vào Hanoi Telecom. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đề nghị: "Hanoi Telecom nên xem lại cách tiếp cận của mình. Đừng đem câu chuyện tòa án quốc tế ra làm áp lực.
Việc này đối với dân làm kinh tế thì cực kỳ phản cảm. Ngoài việc sáp nhập theo thông lệ quốc tế thì trong "câu chuyện này”, các bên liên quan đều là các tập đoàn Nhà nước có phần vốn Nhà nước, cần phải hành xử theo luật lệ quy định của Việt Nam về việc sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước”.
Ngọc Mai
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 142 ra ngày 28/11/2011
===============================================================
"Nhập” EVN Telecom vào Viettel - Có vi phạm Luật cạnh tranh?
Trong văn bản mới đây của mình, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) - chủ sở hữu thương hiệu Vietnamobile – cho rằng, việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Ảnh minh họa
Viettel sẽ sở hữu hơn 50% tổng quỹ tần số 3G…
Trong công văn số 585 mà Hanoi Telecom gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh, đồng thời cũng gửi tới Hội đồng Cạnh tranh, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Hanoi Telecom cho rằng, chủ trương sáp nhập Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) vào Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là tập trung kinh tế quá mức và dồn mọi nguồn lực của EVN Telecom cho Viettel, là trái với các quy định của Luật Cạnh tranh cũng như các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo nhận định của Hanoi Telecom, nếu mọi nguồn lực của EVN Telecom được chuyển giao toàn bộ cho Viettel bao gồm cả tài nguyên tần số 2G, 3G thì chỉ riêng đơn vị này sở hữu tới trên 50% tổng quỹ tần số 3G của quốc gia. "Điều này vi phạm Điều 18, Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 quy định: "Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan” – công văn này viết. Vì thế, theo Hanoi Telecom, điều này nếu trở thành hiện thực sẽ tạo điều kiện cho Viettel trở thành "doanh nghiệp có vị trí độc quyền” trên thị trường viễn thông Việt Nam.
Thứ hai, do Viettel hiện chiếm gần 37% thị phần thông tin di động tại Việt Nam, nên theo Điều 11, Luật Cạnh tranh, với trên 30% thị phần, Viettel được coi là "doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường”.
Cho nên, nếu lấy được phần băng tần 3G đang chia sẻ với Hanoi Telecom từ EVN Telecom, việc Viettel sẽ "ngăn cản việc tham gia thị trường” cung cấp dịch vụ 3G "của những đối thủ cạnh tranh” như Hanoi Telecom là không thể tránh khỏi, vì chỉ với một phần nhỏ băng tần 3G còn lại, Hanoi Telecom sẽ không thể cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường với giá cả cạnh tranh nhất do chi phí triển khai quá lớn. Điều này đi ngược với quy định cấm "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” theo Luật Cạnh tranh.
Ngoài ra, Hanoi Telecom còn cho rằng, trong kế hoạch tiếp nhận EVN Telecom của Viettel, Viettel sẽ được sử dụng miễn phí tất cả các cột tháp anten và hàng chục triệu cột điện trong khi đó các nhà mạng khác phải thuê cột điện để treo cáp với giá tăng gấp trên 7 lần so với giá khởi điểm. Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Cạnh tranh.
… và nguy cơ tái hiện thị trường viễn thông độc quyền
Ông Nguyễn Thành – một chuyên gia viễn thông – cho rằng, hiện EVN Telecom đang trong tình trạng đứng trước nguy cơ phá sản, vì thế, việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel hay bất kỳ doanh nghiệp viễn thông nào khác cũng được Luật Cạnh tranh nghiên cứu dưới góc độ này. Tuy nhiên, sự lo lắng của Hanoi Telecom rõ ràng là có cơ sở khi EVN Telecom và Hanoi Telecom là liên doanh dùng chung một giấy phép 3G, và đây là một yếu tố quan trọng trong thị trường viễn thông đầy cạnh tranh hiện nay.
Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Hanoi Telecom đã liên tục gửi công văn kiến nghị tới Thủ tướng, các bộ, ban, ngành hữu quan đề xuất mua lại phần băng tần 3G và cơ sở hạ tầng của EVN Telecom.
Ngay trong công văn 585 nói trên, Hanoi Telecom cũng kiến nghị các đơn vị trên cần có ý kiến công khai với Chính phủ về việc sáp nhập EVN Telecom với Viettel để đảm bảo tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam, tránh sự quay trở lại thời kỳ độc quyền cũ hoặc dạng biến tướng của hình thức độc quyền mới.
Với sự phát triển hiện nay và thị phần viễn thông mà Viettel đang nắm giữ, nếu việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel thành công, họ sẽ có thị phần khống chế ưu thế mà cả hai nhà mạng của VNPT cộng lại cũng khó mà địch nổi. Chưa kể việc mất đi một nửa băng tần 3G đã được cấp phép, Hanoi Telecom có thể sẽ lâm vào tình trạng thất bại và khó khăn như đã từng xảy ra với SPT, SK, ảnh hưởng đến sự sống còn của mạng này.
EVN Telecom trong suốt quá trình tồn tại của mình chưa ghi dấu ấn rõ ràng nào, nhưng ngay ở thời điểm nhà mạng này trên bờ vực phá sản, số phận của nó lại tác động mạnh mẽ đến cả thị trường viễn thông đang cạnh tranh khốc liệt của Việt Nam. Thị trường sẽ phát triển theo hướng nào hóa ra lại phụ thuộc rõ nét vào sự tồn vong của một nhà mạng nhỏ.
Bách Nguyễn
Xem thềm về định giá thương hiệu:
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook