Lập dữ liệu chuẩn về doanh nghiệp
Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp của các cơ quan đăng ký kinh doanh trên cả nước đang trong quá trình khớp dữ liệu với các cơ quan thuế.
Sau khi quá trình khớp số liệu này kết thúc, toàn bộ cơ sở dữ liệu này sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh các địa phương gửi tới từng doanh nghiệp trên địa bàn để xác nhận và cập nhật thông tin. Theo quy định của Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào không có phản hồi, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để xoá sổ doanh nghiệp. Khi đó, lần đầu tiên câu hỏi về số lượng và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được câu trả lời chính xác.
Cho tới thời điểm này, số lượng doanh nghiệp Việt Nam vẫn được công bố dựa theo hai bộ số liệu. Với thống kê từ cơ quan đăng ký kinh doanh, Việt Nam hiện có khoảng 470.000 doanh nghiệp. Nhưng với cơ quan thuế, tổng số doanh nghiệp Việt Nam ở con số khoảng 375.000.
Khoảng cách về số liệu này không chỉ làm khó các nhà hoạch định chính sách về doanh nghiệp, mà quan trọng là tạo nên những băn khoăn về hình ảnh doanh nghiệp “ma”, vốn bị coi là thủ phạm của khá nhiều vụ việc lừa đảo trong hoạt động sản xuất - doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các chuyên gia về đăng ký kinh doanh (Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, sự chênh lệch về con số doanh nghiệp đăng ký và số doanh nghiệp có mã số thuế có nhiều lý do. “Có doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký mã số thuế. Có doanh nghiệp thực sự đã biến mất, đã chết, đã làm thủ tục đóng mã số thuế, nhưng không làm thủ tục chấm dứt hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Số doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp được thành lập vì chủ đích không chính đáng nào đó cũng có, nhưng không phải tất cả”, vị chuyên gia này cho biết.
Vấn đề nằm ở chỗ, với bộ số liệu hiện có, không có một cơ sở nào để xác định chính xác số doanh nghiệp hiện có là bao nhiêu, thực trạng các doanh nghiệp này đang hoạt động như thế nào… Đó là chưa kể tới tình trạng trong số các doanh nghiệp có tên trong bộ số liệu của hai cơ quan này, các nội dung thông tin bên trong có thể không khớp. Cở sở cho công tác hậu kiểm của cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp trở nên bấp bênh.
Điều quan trọng là, tính pháp lý của các thông tin về từng doanh nghiệp rất yếu, không đủ sức phát huy sức mạnh về thông tin của thị trường. Hiện tại, để tìm hiểu thông tin về đối tác, nhiều doanh nghiệp buộc phải vận dụng các mối quan hệ để có thông tin. Thậm chí, tại Cơ quan Đăng ký kinh doanh TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị mua lại bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh củadoanh nghiệp họ đang muốn tìm hiểu. Dù vậy, theo quy định trước đây, thông tin thu nhận được từ cơ quan đăng ký kinh doanh hay những nguồn khác không có hiệu lực chính thức và không thể sử dụng để chứng minh cho địa vị pháp lý của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là văn bản gốc có giá trị pháp lý duy nhất do doanh nghiệp giữ.
Các chuyên gia Cục Phát triển doanh nghiệp khẳng định, khi cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp được hoàn tất, cơ sở để các doanh nghiệp tìm hiểu các đối tác, giám sát các đối tác, đối thủ được đảm bảo. Điều kiện và khoảng trống để các doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp trùng tên, sự doanh nghiệp có biến động về đăng ký kinh doanh xuất hiện và tồn tại sẽ không còn.
với bộ số liệu hiện có, không có cơ sở nào để xác định chính xác số lượng và thực trạng các doanh nghiệp hiện có
Khánh An
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook