Đừng ngại ngùng khi bàn đến di chúc
Một bạn đọc gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM trình bày: Cha mẹ bà có năm người con nhưng họ chỉ sống chung với người con trai út.
Sau khi cha mẹ qua đời, người con út đã làm thủ tục xin cấp “giấy đỏ” và được đứng tên trên mảnh đất nông nghiệp gần 36.000 m2 do cha mẹ để lại. Sau đó, người con út bị tai nạn, không lâu sau thì chết. Số đất nói trên đã bị bán một phần, hiện chỉ còn lại hơn một nửa.
Sau khi người con út mất, anh chị của ông kiện người em dâu ra tòa. Họ cho rằng người con út chỉ thay mặt các anh chị để quản lý di sản của cha mẹ để lại chứ không có toàn quyền sử dụng đất. Phiên tòa sơ thẩm ngày 18-12-2006 của TAND huyện Đức Hòa, Long An đã bác yêu cầu của các nguyên đơn. Họ kháng cáo. Đến 16-8-2007, TAND tỉnh Long An tuyên xử y án sơ thẩm. Hiện nay, các nguyên đơn vẫn tiếp tục gửi đơn ra TAND tối cao để mong được chia một phần mảnh đất nói trên.
Hàng ngày, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều đơn thư nhờ giải đáp pháp luật, kêu oan... nhưng nhức nhối nhất vẫn là các tranh chấp nhà đất. Trong tình hình “tấc đất tấc vàng” theo đúng nghĩa đen, chuyện anh em tan đàn xẻ nghé do tranh chấp đất đai không còn là chuyện hiếm. Lẽ ra những tranh chấp đó sẽ không có xảy ra nếu như ngay từ đầu, cha mẹ - những người “chủ đất” chịu khó làm một việc rất nhỏ. Đó là viết di chúc.
Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đã có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Pháp luật cũng cho phép lập di chúc miệng hoặc lập thành văn bản. Dù có được công chứng, chứng thực hay không thì di chúc cũng đều có hiệu lực nếu đảm bảo về mặt hình thức.
Dường như nhiều người vẫn chưa có “thói quen” lập di chúc. Có thể vì không am tường pháp luật, hay sợ bị đánh giá là quá rạch ròi, sợ các con phân bì khi phân chia không đều... Chính những cái ngại, cái sợ ấy đã dẫn đến những mâu thuẫn sâu sắc không đáng có về sau. Như ở trường hợp vừa nêu ở trên, nếu lúc còn sống, người có tài sản chịu để lại di chúc, những người con sẽ không mất thì giờ và tiền bạc để kéo nhau ra tòa gây rạn nứt tình thân.
ÁI PHƯƠNG
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook