/ / / /

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ NGÂN HÀNG: MẤT 300 TRIỆU ĐỒNG VÌ CHUYỂN NHẦM TÀI KHOẢN?


TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ NGÂN HÀNG: MẤT 300 TRIỆU ĐỒNG VÌ CHUYỂN NHẦM TÀI KHOẢN?
THANH HẢI

Ngày 3-9, chị Trà (Hà Nội) làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản của chị mình để trả nợ cho ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, chị đã chuyển nhầm số tiền 306 triệu đồng vào tài khoản của người khác có cùng họ tên với chị mình.

Chị Trà cho biết hôm đó chị đến chuyển tiền tại Phòng giao dịch Cửa Nam Ngân hàng Techcombank (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Do không nhớ số tài khoản nên chị đã đề nghị nhân viên ngân hàng kiểm tra số tài khoản giúp. Sau khi được nhân viên ngân hàng cung cấp số tài khoản, chị Trà đã làm thủ tục chuyển tiền vào số tài khoản này.

Hôm sau chị phát hiện số tiền không được trừ vào nợ nên đã liên hệ với ngân hàng để kiểm tra lại. Lúc này chị Trà mới biết là số tiền đã bị chuyển nhầm đến một tài khoản khác. Chị Trà làm đơn đề nghị ngân hàng rà soát và hoàn trả số tiền về đúng tài khoản của chị mình.

Techombank: Lỗi thuộc về khách hàng

Trao đổi với phóng viên chiều qua, bà Nguyễn Thu Lan, Phó Giám đốc Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Hoàn Kiếm, cho biết ngay sau khi nhận được đơn của khách hàng, Techcombank đã gửi thư thông báo đến khách hàng về việc nhầm lẫn nói trên và mời khách hàng đến ngân hàng làm việc với thiện chí giải quyết nội bộ. Tuy nhiên, đến nay sau ba ngày kể từ khi thông báo, phía người nhận được tiền gửi nhầm vẫn chưa đến ngân hàng.

 

Bà Lan cũng cho biết thêm, ngay sau khi nhận đơn của chị Trà, ngân hàng đã kiểm tra tài khoản của “người nhặt được tiền”. Tuy nhiên, tài khoản này báo là chủ tài khoản đã rút số tiền nói trên trước đó tại một chi nhánh ngân hàng khác cũng nằm trong hệ thống Techcombank.

Lý giải tại sao khách hàng vẫn có thể rút tiền, bà Lan cho biết Techcombank có dịch vụ gửi một nơi, rút nhiều nơi. Chính vì vậy, khách hàng đã rút tiền trước khi ngân hàng phát hiện có sự nhầm lẫn này một cách dễ dàng mà không bị phát hiện. “Nếu chúng tôi phát hiện sớm hơn thì chúng tôi đã gửi thông báo cho khách hàng, đồng thời phong tỏa số tiền gửi nhầm” – bà Lan nói.

Bà Lan cũng khẳng định về nguyên tắc thì số tiền trên vẫn chưa được trả vào phần nợ của chị chị Trà. Do đó, khách hàng này vẫn bị coi là còn thiếu nợ của ngân hàng và phải tiếp tục tính lãi trên số tiền đó.

Cũng theo bà Lan, khi đến ngân hàng giao dịch chuyển tiền, khách hàng buộc phải biết chuyển tiền cho ai, số tiền bao nhiêu, số tài khoản và chuyển tiền về nội dung gì. Bà Lan thừa nhận việc nhân viên ngân hàng tra cứu giúp khách hàng số tài khoản đúng là có lỗi của nhân viên ngân hàng, cần phải rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lỗi trước hết thuộc về khách hàng và họ phải chịu trách nhiệm về nhầm lẫn đó.

Chuyên gia luật: Ngân hàng phải chịu

Theo tiến sĩ-luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, nguyên Trưởng ban Pháp luật và nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong giao dịch chuyển tiền. Về nguyên tắc, lỗi này thuộc về ngân hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Được biết, Ngân hàng Techcombank có mã tài khoản là 14 chữ số, hai số tài khoản bị chuyển nhầm nhau nêu trên chỉ giống nhau năm chữ số đầu, còn chín chữ số sau hoàn toàn khác nhau. Do đó, nếu ngân hàng không cung cấp thì khách hàng không thể biết. Trong trường hợp đó, ngân hàng có quyền từ chối giao dịch để khách hàng kiểm tra số tài khoản và gửi tiền.

Theo ông Triển, trường hợp này ngân hàng không thể chối bỏ trách nhiệm vì nhân viên ngân hàng đã thiếu trách nhiệm trong việc yêu cầu khách hàng cung cấp đủ các thông tin liên quan khi chuyển tiền như họ tên, địa chỉ, số tài khoản… Nhân viên ngân hàng có quyền từ chối giao dịch nếu thiếu các thông tin về người gửi, người nhận. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng đã tra vấn số tài khoản giúp khách hàng và thông báo cho khách hàng số tài khoản đó. Bằng lòng tin nên khách hàng mới đồng ý chuyển tiền vào số tài khoản đó. Do đó, lỗi này thuộc về ngân hàng.

Về số nợ và lãi của “khổ chủ”, luật sư Triển cho rằng khách hàng vẫn được coi là đã thanh toán 306 triệu đồng cho ngân hàng tiền lãi và gốc. Do ngân hàng có lỗi nên ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm về phần lãi đó. Và ngân hàng phải tự làm việc với người mà ngân hàng đã chuyển nhầm tiền và đề nghị người này trả lại khoản tiền nói trên.

Đối với “người nhặt được tiền”, về nguyên tắc họ không có lỗi, vì tiền vào tài khoản họ có thể biết hoặc không biết rõ nguồn gốc và rút tiền ra sử dụng. Tuy nhiên, khi có thông báo mà họ cố tình chiếm dụng thì có thể đề nghị cơ quan có thầm quyền xử lý bằng pháp luật, yêu cầu người thụ hưởng hoàn trả số tiền nói trên.

Mới đây, ngày 22-8, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên buộc Công ty Vina Forwarding (TP.HCM) trả lại cho nguyên đơn là Công ty Pacific Network (trụ sở tại Úc) số tiền 29.000 USD mà Pacific Network đã chuyển nhầm vào tài khoản của Vina Forwarding.

Trong quá trình chuyển trả tiền cước vận chuyển cho đối tác, công ty này hai lần chuyển tiền vào tài khoản của Vina Forwarding số tiền là 38.000 USD. Sau khi phát hiện nhầm lẫn, tháng 3-2004, Pacific Network yêu cầu Vina Forwarding trả lại tiền. Tháng 7-2005, Vina Forwarding chỉ chuyển trả 8.000 USD rồi ngưng. Tháng 5-2007, Pacific Network khởi kiện.

Tháng 8-2008, TAND TP.HCM tuyên buộc bên Vina Forwarding trả cho Pacific Network số tiền còn lại là 29.000 USD. Tuy nhiên, đây là quan hệ dân sự chứ không phải quan hệ hình sự. Và bản án cũng không yêu cầu bên thụ hưởng phải trả khoản lãi chênh lệch trong thời gian chiếm dụng số tiền nói trên.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến