/ / / /

“Di tặng” theo quy định tại Điều 671 Bộ luật Dân sự


“Di tặng” theo quy định tại Điều 671 Bộ luật Dân sự
Điều 671 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định về di tặng: “1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc. 2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

1. Điều kiện để được nhận di tặng

Điều 671 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định về di tặng: “1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc. 2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Theo quy định này, căn cứ phát sinh di tặng là do người lập di chúc chỉ định cho người được di tặng được hưởng di sản trong một bản di chúc có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, người được di tặng không phải là người thừa kế theo di chúc. Mặc dù họ cũng được hưởng một phần di sản của người lập di chúc giống như người thừa kế theo di chúc, nhưng họ lại không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ của người này. Đây là căn cứ xác định sự khác biệt giữa người được di tặng với người thừa kế theo di chúc.

Nhưng Điều 671 không quy định cụ thể điều kiện để một người được nhận di tặng mà chỉ quy định chung: Người lập di chúc được dành một phần tài sản để di tặng cho người khác. Vậy “người khác” ở đây được hiểu như thế nào? Chỉ là cá nhân hay có thể bao gồm cả cơ quan, tổ chức?

Theo chúng tôi, người được di tặng có thể là cá nhân và cũng có thể là cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ, mặc dù không quy định cụ thể “người khác” bao gồm những ai, nhưng BLDS cũng không quy định: người được di tặng chỉ có thể là cá nhân.

Vấn đề được đặt ra ở đây là, người được di tặng có cần thỏa mãn các điều kiện như đối với người thừa kế hay không?

Nếu là cá nhân, người được di tặng có cần phải là “đã thành thai trước khi người để lại di sản chết” hay không? Nếu là tổ chức thì tổ chức đó có phải “tồn tại vào thời điểm mở thừa kế” hay không? Sở dĩ phải đặt ra vấn đề này là do trong thực tế, có rất nhiều trường hợp người để lại di sản đã lập di chúc định đoạt một phần tài sản của mình với mục đích tặng cho các quỹ (quỹ học bổng, quỹ từ thiện…).

Về vấn đề này, Điều 81 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định: quỹ là một tổ chức được thành lập vì “mục đích từ thiện, tôn giáo, khoa học, văn học hoặc những mục đích khác vì lợi ích công cộng chứ không phải vì mục đích chia lời”. Người để lại di sản có quyền lập di chúc giao trách nhiệm cho một người gây dựng một quỹ, hoặc tự mình trực tiếp hiến tài sản gây dựng các quỹ có mục đích nói trên (Điều 1676). Khi quỹ được gây dựng theo di chúc đã được lập như một pháp nhân, thì tài sản được người lập di chúc hiến cho mục đích thành lập quỹ đó được coi như thuộc về pháp nhân đó, kể từ khi di chúc có hiệu lực, trừ khi di chúc có quy định khác (Điều 1678). Nếu việc hiến này không thể thực hiện được, hoặc nếu quỹ đó không thể tồn tại vì sự tồn tại của nó trái với quy định của pháp luật, hoặc vi phạm trật tự công cộng hay trái đạo đức, thì việc sắp đặt theo di chúc đó sẽ vô hiệu (Điều 1679). Việc lập quỹ không được gây tổn hại đến quyền lợi của các chủ nợ của người để lại di sản (Điều 1680).

BLDS Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, người được di tặng dù không phải là người thừa kế, nhưng về bản chất họ là người được hưởng di sản theo sự định đoạt của người lập di chúc. Vì vậy, để được nhận di tặng, người được di tặng cũng phải thỏa mãn những điều kiện của người thừa kế được quy định tại Điều 635 BLDS năm 2005, cụ thể: người được di tặng là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người được di tặng là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Để có cơ sở pháp lý giải quyết những trường hợp di tặng trong đời sống dân sự, theo chúng tôi, BLDS nên sửa đổi lại tên gọi cũng như thuật ngữ được sử dụng tại Điều 635 theo hướng thay thuật ngữ “người thừa kế” bằng thuật ngữ có tính khái quát cao hơn là “người được hưởng di sản”. Cụ thể: “Người được hưởng di sản là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người được hưởng di sản là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Với quy định này thì không chỉ những người thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) mà cả những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc và những người được di tặng cũng cần phải thỏa mãn các điều kiện tối thiểu nói trên.

Tương tự như vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các điều luật cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc áp dụng pháp luật trong thực tế, Điều 642 BLDS năm 2005 cũng nên thay cụm từ “người thừa kế” bằng cụm từ “người hưởng di sản”. Và để tránh dẫn đến cách hiểu: chỉ người thừa kế mới có quyền từ chối nhận di sản, còn người được di tặng không có quyền từ chối (khoản 1, Điều 642), chúng tôi đề nghị nên sửa Điều 642 như sau:

1. Người hưởng di sản có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản.

 

2. Những người có những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 643 có được hưởng di tặng hay không?

Khoản 1 Điều 643 BLDS quy định những người không được quyền hưởng di sản bao gồm: a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Theo chúng tôi, những người này cũng không được hưởng tài sản di tặng. Bởi vì, thông thường một người chỉ để lại tài sản để tặng cho người khác khi giữa họ và người được hưởng tài sản có mối quan hệ thân thiết nhất định. Người có tài sản muốn lưu giữ tình cảm tốt đẹp đó nên đã tặng một phần tài sản cho người được di tặng. Nếu người được di tặng lại có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản; hoặc lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản, thì người đó hoàn toàn không xứng đáng được hưởng di sản.

Hơn nữa, tên gọi của Điều 643 là “Người không được quyền hưởng di sản” cũng đã thể hiện quan điểm này. Vì “người được hưởng di sản” bao gồm không chỉ là người thừa kế mà còn cả những người được di tặng. Do đó đương nhiên những người được di tặng nếu có những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 643 sẽ không được hưởng di tặng.

Khi nghiên cứu vấn đề này, chúng ta thấy sự cần thiết phải xem xét trong trường hợp người được di tặng không có quyền hưởng di sản (theo khoản 1 Điều 643), từ chối nhận di tặng, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người di tặng thì phần di chúc liên quan đến người này về thực chất là phần di chúc mất hiệu lực pháp luật. Mà phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật sẽ được áp dụng chia theo quy định của pháp luật cho những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những suy đoán mang tính chủ quan, còn trên thực tế các văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết phần di sản này, theo chúng tôi, điểm c khoản 2 Điều 675 BLDS - quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật - cần được bổ sung theo hướng: “c. Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc, người được di tặngnhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế”.

 

3. Trong trường hợp nào di tặng được dùng để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc?

Khoản 2 Điều 671 quy định: “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Quy định này dường như đã đồng nhất giữa di sản chia thừa kế với di sản. Bởi vì: Di sản = phần di sản dành cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc + phần di sản dành cho di tặng + phần di sản dùng vào việc thờ cúng + phần di sản chia thừa kế. Như vậy, di sản chia thừa kế chỉ là một thành phần của di sản. Chỉ trong trường hợp không có phần di sản dành cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản chia thừa kế mới bằng di sản thừa kế. Nhưng quy định rằng: Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản, thì phải hiểu thế nào là “toàn bộ” di sản? Nếu hiểu theo công thức trên, thì “toàn bộ” di sản rõ ràng phải bao gồm cả di tặng. Nhưng nếu như “toàn bộ di sản” đã bao gồm cả di tặng, tức là cả di tặng cũng đã được đem ra thanh toán nghĩa vụ rồi, thì không thể có quy định: nếu “toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Như vậy, rõ ràng “toàn bộ di sản” được nói tới trong điều luật này không phải là “toàn bộ di sản thừa kế” mà chính xác phải là “toàn bộ di sản chia thừa kế”. Điều này đồng nghĩa với việc: nếu có nghĩa vụ tài sản thì phải dùng phần di sản chia thừa kế để thực hiện nghĩa vụ trước, nếu di sản chia thừa kế vẫn không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì mới dùng phần di tặng. Trong trường hợp này, di tặng là phần di sản còn lại sau khi đã thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản và các chi phí khác liên quan đến thừa kế theo Điều 683.

Vì vậy, để tạo cách hiểu thống nhất trong trường hợp trên, ta nên thay cụm từ “di sản” bằng “di sản chia thừa kế”. Cụ thể, khoản 2 Điều 671 nên được sửa đổi như sau: “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản chia thừa kế không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Với quy định này, sẽ có một cách hiểu thống nhất là: di tặng chỉ được dùng để thực hiện nghĩa vụ khi toàn bộ di sản chia thừa kế không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc. Mặc dù, cùng là người được hưởng di sản của người chết để lại nhưng kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại thừa kế trong phạm vi di sản được hưởng. Ngược lại, người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ đó. Chỉ trong trường hợp toàn bộ di sản chia thừa kế không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại, thì phần tài sản là di tặng mới được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ tài sản còn lại này.

Vấn đề đặt ra trong trường hợp có cả di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phải dùng phần di sản nào để thanh toán nghĩa vụ tài sản trước? Di tặng hay phần di sản dùng vào việc thờ cúng?

Có ý kiến cho rằng, do tính chất đặc biệt của phần di sản dùng vào việc thờ cúng - là sự biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nếu xếp di sản dùng vào việc thờ cúng ngang với di sản chia thừa kế hay di tặng đồng nghĩa với việc “hy sinh truyền thống cổ xưa vì lợi ích của quyền tự do cá nhân”1. Chính vì vậy, trong trường hợp này, ta phải dùng phần di sản dành cho di tặng để thanh toán nghĩa vụ trước, nếu không đủ thì mới dùng đến di sản dùng vào việc thờ cúng.

Ý kiến khác lại cho rằng, phải dùng di sản dùng vào việc thờ cúng để thanh toán nghĩa vụ trước, nếu không đủ mới dùng đến di tặng, bởi tài sản dành cho di tặng thường có ý nghĩa đặc biệt với người di tặng cũng như người được di tặng. Việc để lại di tặng thường nhằm mục đích làm kỷ niệm, lưu dấu một mối quan hệ tốt đẹp thân thiết giữa người di tặng với người được di tặng.

Dung hòa cả hai ý kiến trên, ý kiến thứ ba cho rằng, trong trường hợp này chúng ta phải dùng cả di tặng cũng như di sản dùng vào việc thờ cúng để thanh toán. Việc cắt giảm hai phần di sản này sẽ được thực hiện theo tỷ lệ. Theo chúng tôi, ý kiến này là hợp lý hơn cả. Bởi theo quy định tại Điều 670 và 671 thì hai loại di sản này có địa vị pháp lý tương đối “cân bằng” nhau, bởi cơ sở để dùng hai loại di sản này để thanh toán nghĩa vụ đều là “toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó”. Hơn nữa, trong thực tế đời sống, rất khó lý giải nên dùng loại di sản nào để thanh toán trước trong trường hợp nói trên, vì điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: tính đa dạng của quan hệ pháp luật về thừa kế, mức chênh lệch về giá trị di sản dùng vào việc thờ cúng và di tặng, yếu tố tâm lý, sự khác nhau về phong tục tập quán giữa các vùng, miền trên cả nước.

 

(1) Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận khoa học về thừa kế trong luật dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ, tr. 243.

ThS. Vũ Thị Lan Hương - Bộ môn Luật, Đại học Lao động - xã hội.

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến