Có giấy đỏ mới được kiện ra tòa
(PL-NS)- Năm 2009, ông D. kiện ông Q. ra tòa để đòi lại hơn 5.000 m2 đất. Theo ông D., diện tích đất này do ông bà nội ông để lại. Khi ông nội qua đời, ông và bà nội tiếp tục sử dụng. Năm 1979, theo chủ trương của Nhà nước, ông D. đã giao phần đất này cho tập đoàn nhà nước.
Năm 1982, bà nội ông D. qua đời. Đến năm 1985, tập đoàn nhà nước giải thể nên ông D. được trực tiếp sử dụng toàn bộ diện tích đất, có đóng thuế đầy đủ cho đến nay.
Ông D. cho rằng trước năm 1975, ông Q. đi lính cho chế độ cũ. Sau năm 1975, ông Q. đi học tập cải tạo đến năm 1984 về quê. Vào thời điểm đó, ông D. cho ông Q. sống và cất nhà tạm trên toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp. Do đòi nhiều lần mà ông Q. không chịu trả lại đất nên ông D. kiện ông Q. ra tòa yêu cầu trả lại đất.
Trái lại, ông Q. cho rằng toàn bộ diện tích đất trên được đưa vào tập đoàn nhà nước và ông sử dụng đất với tư cách là tập đoàn viên. Sau năm 1984, ông đi cải tạo về và tiếp tục sử dụng đất. Khi tập đoàn nhà nước giải thể, Nhà nước đã giao đất trên cho ông sử dụng ổn định cho đến nay. Hằng năm, ông đều đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước nên ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D.
Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Củ Chi giữa năm 2009 tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông D. Cấp sơ thẩm công nhận ông Q. được quyền sử dụng hơn 5.000 m2 đất tranh chấp.
Tháng 6-2010, TAND TP.HCM xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Cấp phúc thẩm nhận định phần đất tranh chấp có nguồn gốc của ông bà nội ông D. để lại. Ông Q. gia nhập tập đoàn nhà nước. Khi tập đoàn giải thể, ông Q. nhận đất và tiếp tục sử dụng ổn định nhưng chưa có quyết định có hiệu lực nào của cơ quan có thẩm quyền giao đất cho ông Q. sử dụng. Diện tích đất tranh chấp trên có đăng ký trong sổ mục kê nhưng chưa được cấp giấy đỏ. Theo cấp phúc thẩm, sổ mục kê được lập để giúp Nhà nước nắm đầy đủ ruộng đất và thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định về đất đai. Sổ mục kê không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Theo luật định, đối với những tranh chấp về quyền sử dụng đất, tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi đất tranh chấp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
KINH NGHIỆM PHÁP LÝ: Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án nhân dân giải quyết”. Diện tích đất tranh chấp nêu trên không có giấy tờ theo quy định trên nên cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền. |
VĂN ĐOÀN
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook