/ / / /

Cần sớm chấm dứt khoán trắng, làm thay trong hoạt động tố tụng


Cần sớm chấm dứt khoán trắng, làm thay trong hoạt động tố tụng
Hoạt động tố tụng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, quyền tự do, tài sản, danh dự, nhân phẩm, sinh mệnh chính trị của các cá nhân; quyền về tài sản, danh dự, uy tín của các cơ quan, tổ chức mà còn góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó mà Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân cũng như Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân đã quy định cụ thể các điều kiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, thời gian và năng lực công tác để được bổ nhiệm, bầu (hội thẩm) vào các chức danh tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng quy định rất cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, từng chức danh tiến hành tố tụng. Mỗi cơ quan, mỗi chức danh tố tụng chỉ được phép thực hiện các hoạt động tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình mà pháp luật quy định. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ quan trọng của từng hoạt động tố tụng mà pháp luật quy định giao quyền và nghĩa vụ cho chức danh tố tụng nào thực hiện. Nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng luôn gắn liền với mỗi cá nhân theo một chức danh tố tụng nhất định, không có quy định nào cho phép ủy quyền lại hoặc khoán trắng cho người khác làm thay. Tuy nhiên trên thực tế, tại nhiều địa phương việc khoán trắng, làm thaytrong hoạt động tố tụng lại xảy ra khá phổ biến.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì việc lấy lời khai của đương sự và việc hòa giải là hai hoạt động tố tụng công khai trước đương sự, thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thẩm phán. Nhưng hiện nay, tại nhiều tòa án thì hai hoạt động tố tụng này lại được các thư ký tòa án nghiễm nhiên thực hiện thay cho thẩm phán. Những hoạt động tố tụng công khai trước đương sự nhưng vẫn làm thay được như vậy, thì đối với các hoạt động tố tụng khác, không có mặt đương sự sẽ được làm thay phổ biến hơn. Thực tế tại nhiều tòa án địa phương, thư ký tòa án không chỉ làm thay thẩm phán một vài hoạt động tố tụng mà còn được thẩm phán khoán trắng trong cả quá trình giải quyết vụ án (trừ việc xét xử tại phiên tòa):

Đối với án dân sự, lãnh đạo tòa án giao cho một thư ký chịu trách nhiệm xem xét tham mưu về điều kiện thụ lý. Sau khi thụ lý vụ án, lãnh đạo tòa án phân công thẩm phán giải quyết vụ án; thẩm phán giao hồ sơ vụ án cho một thư ký sắp xếp thời gian triệu tập đương sự lấy lời khai, hòa giải và yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, thực hiện các thủ tục thu thập chứng cứ khác để hoàn chỉnh hồ sơ vụ án, đề xuất quan điểm giải quyết để thẩm phán trình bày khi họp bàn án và soạn thảo bản án (nếu hòa giải không thành) theo đường lối đã thống nhất khi họp án. Đối với án hình sự, thẩm phán cũng khoán cho thư ký nghiên cứu hồ sơ vụ án và đề xuất đường lối giải quyết, soạn thảo các văn bản tố tụng (cả bản án). Các vụ án mà thẩm phán khoán trắng cho thư ký làm thay thì thẩm phán chỉ việc ký vào các văn bản tố tụng, kết quả giải quyết vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm của thư ký. Điều đáng lo ngại là, nhiều trường hợp, vì để tạo sự chủ động cho thư ký “làm án” nên thẩm phán sẳn sàng ký khống chỉ vào các loại biểu mẫu tố tụng, khi cần thực hiện thủ tục tố tụng nào thì thư ký chỉ cần điền các thông tin vào biểu mẫu có chữ ký sẵn, đóng dấu lưu hồ sơ và chuyển văn thư gửi là xong. Chính vì khoán trắng cho thư ký làm thay nên thẩm phán không nắm chắc nội dung vụ án, vì vậy nhiều khi đã để xảy ra những câu chuyện “buồn cười” tại các phiên tòa như: xử vụ này, xét hỏi lộn qua vụ khác, hoặc khi xét hỏi nguyên đơn lại nêu tên của bị đơn; khi xét hỏi bị cáo lại lộn qua tên của người bị hại, thậm chí còn lộn qua tên của bố bị cáo (!?)

Xuất phát từ thực tế “khoán trắng”, “làm thay” đó mà nhiều người cho rằng: làm thư ký khó và khổ hơn làm thẩm phán. Từ đó tư tưởng phấn đấu để được bổ nhiệm thẩm phán không phải là để gánh vác công việc, cống hiến nhiều hơn mà là mong được thoát khổ, được an nhàn, hưởng thụ.

Việc khoán trắng, làm thay không chỉ xảy ra ở ngành tòa án mà còn tồn tại ở cả trong ngành kiểm sát. Theo quy định của pháp luật tố tụng, trong ngành kiểm sát có các chức danh tố tụng như Viện trưởng, Phó viện trưởng (đồng thời là kiểm sát viên). Và kiểm sát viên mới có thẩm quyền thực hiện các hoạt động kiểm sát. Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi, lãnh đạo viện kiểm sát khoán trng cho các chuyên viên tham gia kiểm sát hoạt động điều tra. Nhiều hoạt động điều tra quan trọng như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên cơ thể, đồ vật,… đều phải có sự tham gia của kiểm sát viên, nhưng nhiều nơi vẫn giao cho chuyên viên tham gia- chuyên viên nghiễm nhiên được ký vào mục “Kiểm sát viên” trên biên bản tố tụng. Để hợp thức vai trò, trách nhiệm của chuyên viên, trong quyết định phân công kiểm sát viên tham gia kiểm sát điều tra còn kèm theo tên của chuyên viên; thậm chí tên của chuyên viên còn được đặt phía trước tên của kiểm sát viên(?)

Việc khoán trắng, làm thay vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật tố tụng, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các vụ án. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Trước hết là tại nhiều địa phương số lượng vụ án phải giải quyết hàng năm quá nhiều. Một số nơi, mỗi năm bình quân một thẩm phán phải giải quyết trên dưới 200 vụ án. Lượng án lớn như vậy phải làm cả thứ bảy và chủ nhật cũng không thể giải quyết xong, nên buộc phải khoán trắng cho thư ký làm thay. Tuy nhiên, cũng khó lý giải khi một số địa phương lượng án phải giải quyết không nhiều nhưng cũng diễn ra tình trạng làm thay trái pháp luật.

Thứ hai, ý thức tuân thủ pháp luật của những người tiến hành tố tụng còn kém, trách nhiệm chưa cao, lề lối làm việc còn dễ dãi. Việc chuyên viên Viện kiểm sát tham gia kiểm sát điều tra, tòa án thừa biết là sai; việc thư ký viết bản án không thể qua mặt được cấp phúc thẩm… nhưng mọi vi phạm đều được bỏ qua…

Thứ ba, do quy định của pháp luật tố tụng có phần còn bất hợp lý. Cụ thể, Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định việc hòa giải phải có thư ký tòa án ghi biên bản, việc lấy lời khai của đương sự có thể do thư ký ghi biên bản. Với quy định này, nếu không có thư ký thì thẩm phán “bó tay”, nhưng nếu không có thẩm phán thì thư ký vẫn tiến hành được các hoạt động tố tụng, dẫn đến có cơ hội để khoán trắng, làm thay như trên.

Thứ tư, do trình độ dân trí và kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế nên không phát hiện được các vi phạm tố tụng của các cơ quan tư pháp, trong khi số lượng các vụ án có sự tham gia của luật sư còn quá ít.

Để đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, thiết nghĩ lãnh đạo các cơ quan tư pháp ở Trung ương cần có chủ trương và biện pháp để sớm chấm dứt tình trạng khoán trắng, làm thay trong hoạt động tố tụng.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN - THÁI PHẠM

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến