Cần hòa giải trước khi xét xử tranh chấp nhà?
(PL-NS)- Bà Th. kiện ông T. ra tòa tranh chấp hai ngôi nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Bà Th. cho rằng hai ngôi nhà này là của người nhà bà. Năm 1968, người nhà bà lập giấy ủy quyền cho một người trông coi hai căn nhà trên để sang Pháp chữa bệnh.
Sau đó, người được ủy quyền trông coi nhà đã cho ông T. ở nhờ. Năm 2008, người nhà của bà ở Pháp lập giấy ủy quyền cho bà hai căn nhà trên. Bà đã được cấp giấy tờ hợp pháp nên kiện yêu cầu ông T. trả lại hai ngôi nhà trên.
Ông T. thì cho rằng nhà này có nguồn gốc là của người nhà bà Th. Tuy nhiên vào năm 1968, trước khi sang Pháp, người nhà bà Th. đã ủy quyền cho một người được toàn quyền mua bán, sang nhượng hai căn nhà trên. Vì thế năm 1975, người này đã làm giấy cho ông T. hai căn nhà trên. Văn bản cho nhà được chính quyền cũ chứng nhận. Ông đã ở trong ngôi nhà này từ khi được cho và không có tranh chấp gì. Vào năm 1977, 1999, ông T. kê khai nhà ở theo luật định. Ông cho rằng mình là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà nên có phản tố đối với yêu cầu của bà Th.
Bản án dân sự sơ thẩm tháng 12-2009 của TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Th., không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông T. Ông T. buộc phải trả lại cho bà Th. hai căn nhà ở quận Bình Thạnh. Ông T. kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Bản án dân sự phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm vì cấp sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng cả về nội dung lẫn hình thức. Cụ thể, về tố tụng, ông T. có phản tố yêu cầu được sở hữu hai căn nhà và đóng án phí. Sau đó, ông T. có đơn yêu cầu lấy lời khai, tiến hành hòa giải và định giá hai căn nhà đang tranh chấp nhưng cấp sơ thẩm đã không tiến hành hòa giải, không định giá mà đưa ra xử ngay. Tại phiên tòa sơ thẩm, phía ông T. lại tiếp tục yêu cầu tạm hoãn phiên tòa để thực hiện các yêu cầu của ông nhưng tòa vẫn không chấp nhận. Hơn nữa, một ngôi nhà tranh chấp đang được thế chấp cho ngân hàng nhưng cấp sơ thẩm cũng không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng. Những việc này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Về nội dung, cấp sơ thẩm cũng chưa xác minh làm rõ nhiều nội dung quan trọng của vụ án, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ đã đưa ra xét xử là chưa đúng. Do đó, cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Kinh nghiệm: Điều 180 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 181, 182 của bộ luật này”. Như vậy, hòa giải là thủ tục bắt buộc trước khi mở phiên tòa. Cấp sơ thẩm chưa tiến hành hòa giải mà đã đưa vụ án ra xét xử là vi phạm tố tụng. |
VĂN ĐOÀN
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook