/ / / /

Tranh chấp hôn nhân gia đình: Điều tra chưa kỹ đã vội phán quyết


Tranh chấp hôn nhân gia đình: Điều tra chưa kỹ đã vội phán quyết
Anh Nguyễn Thế Tiếng (sinh 1964) và chị Nguyễn Thị Kim Sang (sinh 1969) chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1999, quá trình chung sống hai người có 2 con chung. Trước khi chung sống với chị Sang ở thị xã Bạc Liêu, anh Tiếng sống ở thành phố Cà Mau và đã có một đời vợ, chị Tô Hồng Mai (ốm mất năm 1997) và hai con riêng là Nguyễn Thế Hiền (sinh 1986) và Nguyễn Thị Hồng Anh (sinh 1991); còn chị Sang sống ở tỉnh Đồng Tháp, đã có một đời chồng (ly hôn năm 1998) và một con trai riêng (chồng cũ nuôi).

DƯƠNG QUỲNH HƯƠNG

Sau khi tự nguyện chung sống với nhau một thời gian, không đăng ký kết hôn, đến năm 2007 do mâu thuẫn trầm trọng nên hai bên không thể chung sống với nhau trong một nhà. Ngày 24.12.2007, TAND thị xã Bạc Liêu đã ra Quyết định số 26/2007/QĐST-HNGĐ về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, theo đó giao hai con chung cho chị Sang nuôi dưỡng, anh Tiếng có trách nhiệm đóng góp nuôi dưỡng một cháu; về phần tài sản, giao cho anh Tiếng toàn bộ nhà, đất và các vật kiến trúc khác gắn liền với đất tọa lạc tại số B04/27A, khóm Trà Kha A, phường 8, thị xã Bạc Liêu (phần nhà, đất này anh Tiếng mua do bán nhà cũ ở thành phố Cà Mau), còn anh Tiếng có trách nhiệm giao chị Sang 25 lượng vàng 24k (vàng 9999) khi anh Tiếng chuyển nhượng dãy nhà trọ trên mảnh đất có cùng địa chỉ nói trên.

Đến ngày 13.6.2008, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định kháng nghị số 01/2008/QĐKN-DS đối với Quyết định số 26 ngày 24.12.2007 của TAND thị xã Bạc Liêu, theo đó đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử giám đốc thẩm hủy về phần tài sản đối với Quyết định nêu trên và giao hồ sơ cho TAND thị xã Bạc Liêu giải quyết lại, bởi vì anh Tiếng và chị Sang đều khai nhận nợ Ngân hàng Đông Á số tiền 600 triệu đồng chưa hết hạn hợp đồng nhưng cấp sơ thẩm không đưa ngân hàng tham gia tố tụng. Tiếp đến, ngày 22.10.2008, TAND thị xã Bạc Liêu ra Quyết định số 14/2008/QĐST-HNGĐ về thay đổi việc nuôi con, theo đó anh Tiếng có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung mà không yêu cầu chị Sang cấp dưỡng nuôi con.

 

Ngày 13.1.2009, TAND thị xã Bạc Liêu ra Bản án sơ thẩm số 02/2009/HNGĐ-ST về chia tài sản sau hôn nhân đã quyết định: không chấp nhận yêu cầu của chị Sang đòi anh Tiếng phải chia tài sản nhà, đất và tiện nghi vật dụng tại địa chỉ B04/27A, khóm Trà Kha A, phường 8, thị xã Bạc Liêu, do các tài sản này được anh Tiếng tạo lập riêng trước khi hai người sống chung với nhau, các giấy tờ về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đều đứng tên anh Tiếng; anh Tiếng có trách nhiệm giao trả chị Sang 20 lượng vàng, vì biên bản hòa giải thành ngày 24.12.2007 chị Sang xác định anh Tiếng mượn 20 lượng vàng chứ không phải 25 lượng vàng.

Do bản án nêu trên có kháng cáo, ngày 23.4.2009, TAND tỉnh Bạc Liêu ra Bản án phúc thẩm số 06/2009/HN và GĐPT sửa một phần án sơ thẩm, theo đó không chấp nhận yêu cầu của chị Sang đòi anh Tiếng phải chia tài sản nhà, đất và tiện nghi vật dụng nhưng chấp nhận yêu cầu của chị Sang đòi anh Tiếng phải trả 25 lượng vàng. Căn cứ Bản án phúc thẩm số 06 nói trên, ngày 7.5.2009, Trưởng thi hành án thị xã Bạc Liêu đã ra Quyết định số 181/QĐ-THA buộc anh Tiếng phải trả chị Sang 25 lượng vàng; ngày 19.1.2010, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Bạc Liêu đã tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản là nhà và đất của anh Tiếng.

Sau khi có bản án phúc thẩm, các con của anh Tiếng (với chị Mai) là Thế Hiền và Hồng Anh đã liên tục khiếu nại Bản án phúc thẩm số 06 đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, bởi họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng lại không được bản án đề cập tới. Lý do là, tài sản do anh Tiếng mua gồm nhà, đất ở thị xã Bạc Liêu là tiền do anh Tiếng bán căn nhà chung của anh Tiếng và chị Mai (vợ cũ) ở số 07 Lê Lai (Trần Hưng Đạo cũ), thành phố Cà Mau. Trước khi chị Mai mất, ngày 15.4.1997 trước sự chứng kiến của thân tộc hai bên, anh Tiếng và chị Mai thỏa thuận và cam kết (bằng văn bản) khẳng định căn nhà số 7 Trần Hưng Đạo và các tài sản khác trong căn nhà đó là tài sản chung của hai vợ chồng được tạo dựng sau nhiều năm làm ăn; nếu chị Mai chết thì toàn bộ tài sản nói trên được để lại cho hai con là Thế Hiền và Hồng Anh để nuôi chúng khôn lớn; trong trường hợp anh Tiếng xây dựng gia đình mới thì đề nghị gia đình hai bên đứng ra quản lý số tài sản này. Vì vậy, để bán được căn nhà số 07 Trần Hưng Đạo và di chuyển cả gia đình về thị xã Bạc Liêu sinh sống, ngày 6.5.2000 anh Tiếng phải cam kết (bằng văn bản) với hai họ nội ngoại: toàn bộ số tiền bán nhà này là của hai con Thế Hiền và Hồng Anh, anh Tiếng hứa “tôi sẽ không lấy một đồng nào, tất cả cho hai đứa con tôi học hành thành tài và có cuộc sống yên ổn như những lời mẹ hai đứa trăng trối”.

Tuy nhiên, khi xét xử tòa án cấp sơ thẩm, cũng như tòa án cấp phúc thẩm đều không xác minh làm rõ tài sản riêng của anh Tiếng được tạo lập từ nguồn bán nhà số 7 Trần Hưng Đạo, ngoài anh Tiếng còn có đồng chủ sở hữu nào nữa không, qua đó xác định chính xác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Có thể nói, việc hai cấp xét xử không đưa hai con của anh Tiếng (với chị Mai) là Thế Hiền và Hồng Anh vào tham gia tố tụng trong vụ án này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến việc bản án phúc thẩm kết luận anh Tiếng có toàn quyền sở hữu đối với khối tài sản ở thị xã Bạc Liêu là không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Điều đáng nói là, có đối tượng không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng trong bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, như Ngân hàng Đông Á chi nhánh Bạc Liêu -  vì có việc, anh Tiếng và chị Sang trước kia có vay của Ngân hàng Đông Á số tiền 600 triệu đồng. tuy nhiên trên thực tế, tòa án không phải xem xét vấn đề này vì hợp đồng vay mượn tiền đã được thanh lý (từ 7.5.2007) khá lâu trước khi vụ án được tòa án giải quyết.

Về việc anh Tiếng phải trả chị Sang 25 lượng vàng, Bản án sơ thẩm số 02 căn cứ vào “Tờ cam kết” ngày 15.10.2007 giữa anh Tiếng và chị Sang để quyết định anh Tiếng phải trả cho chị Sang 20 lượng vàng, còn Bản án phúc thẩm số 06 lại căn cứ vào Quyết định số 26 về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự để quyết định anh Tiếng phải trả cho chị Sang 25 lượng vàng. Vấn đề đặt ra phải làm rõ là, giữa anh Tiếng và chị Sang có hay không có việc cho nhau vay mượn tài sản có giá trị tương đương 20 hoặc 25 lượng vàng. Thực chất vấn đề này là giữa anh Tiếng và chị Sang sau một thời gian chung sống có hai con chung, nhưng càng về sau mâu thuẫn về lối sống càng gay gắt, không thể hàn gắn nổi. Để giải quyết nhanh việc chia tay ai về nhà nấy, hai bên thống nhất thỏa thuận tại “Tờ cam kết” ngày 15.10.2007 có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Túy, theo đó chị Sang có trách nhiệm nuôi hai con chung mà không cần sự chu cấp nuôi dưỡng của anh Tiếng, đổi lại anh Tiếng tự nguyện đưa chị Sang 20 lượng vàng để phụ giúp việc nuôi dưỡng hai con chung. Thực tế hoàn toàn không có việc anh Tiếng mượn chị Sang số tài sản gồm 2 xe Honda (dream) và một số nữ trang khoảng 20 lượng vàng vào thời điểm năm 1999 như trong “Tờ cam kết” ghi nhận. Tại “Giấy xác nhận” ngày 18.1.2010, ông Nguyễn Văn Túy – người chứng kiến thỏa thuận nói trên khẳng định một lần nữa hoàn toàn không có việc chị Sang cho anh Tiếng vay mượn tài sản để làm ăn. Điều đáng lưu ý là về phần tài sản của chị Sang trước khi đến chung sống với anh Tiếng vào năm 1999 được thể hiện tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 07/QĐTTLH ngày 23.5.1998 của TAND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) công nhận sự thuận tình ly hôn của chị Sang với chồng cũ, theo đó về phần tài sản đã ghi rõ là không có.

Với mong muốn thúc đẩy nhanh và giải quyết dứt điểm việc chia tay, tại biên bản hòa giải thành ngày 14.12.2007, anh Tiếng cũng đồng ý trả chị Sang 25 lượng vàng (thêm thỏa thuận giúp đỡ về nơi ở sau ly hôn) với điều kiện chị Sang vẫn phải tiếp tục nuôi dưỡng hai con chung (đây là căn cứ để TAND thị xã Bạc Liêu ra Quyết định số 26 yêu cầu anh Tiếng giao chị Sang 25 lượng vàng). Tuy nhiên, do chị Sang không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng hai con chung như cam kết ngày 15.10.2007, mà trả các con chung để anh Tiếng nuôi dưỡng, vì vậy anh Tiếng không chấp nhận việc đưa chị Sang 20 (hoặc 25) lượng vàng.

Qua diễn biến của vụ việc cho thấy, hoàn toàn không có chứng cứ nào chứng minh anh Tiếng có mượn tài sản của chị Sang, Bản án phúc thẩm số 06 quyết định anh Tiếng trả chị Sang 25 lượng vàng chỉ căn cứ vào cam kết của anh Tiếng mà cam kết này chỉ được thực hiện khi chị Sang có trách nhiệm nuôi dưỡng hai con chung, giải quyết như vậy là phiến diện dẫn đến quyết định của bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Chính vì những lý do nêu trên, Bản án phúc thẩm số 06 ngày 23.4.2009 của TAND tỉnh Bạc Liêu cần phải được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến