Quy tắc đạo đức hành nghề luật sư tại Việt Nam
Khi hoạt động nghề nghiệp của mình, luật sư phải bảo đảm tính độc lập, trung thực và tận tụy, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc vì áp lực khác mà làm sai lệch sự thật, trái pháp luật và trái đạo đức xã hội.
Quy tắc đạo đức hành nghề luật sư
QUY TẮC
ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ
Thi hành Quyết định số 356/2002/QĐ-BTP ngày 5 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã 4 lần dự thảo và lấy ý kiến tham gia của các luật sư, luật sư tập sự. Ngày 29/5/2004 Hội nghị toàn tập thể Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã nhất trí thông qua bản Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư như sau:
CHƯƠNG I
YÊU CẦU CHUNG VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ
Quy tắc 1. Giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp.
Đối với luật sư việc giữ gìn phẩm giá và uy tín là bổn phận bắt buộc trong việc hoàn thành chức năng nghề nghiệp luật sư.
Quy tắc 2. Độc lập, trung thực, khách quan.
Khi hoạt động nghề nghiệp của mình, luật sư phải bảo đảm tính độc lập, trung thực và tận tụy, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc vì áp lực khác mà làm sai lệch sự thật, trái pháp luật và trái đạo đức xã hội.
Quy tắc 3. Văn hoá ứng xử trong hành nghề và lối sống.
Luật sư là người trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học pháp lý, do vậy khi hành nghề cũng như trong lối sống phải ứng xử có văn hoá tạo được sự tôn trọng của xã hội.
Quy tắc 4. Thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý.
Thực hiện trợ giúp miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách là nghĩa vụ cao cả của luật sư. Khi làm trợ giúp phải tận tâm đối với công việc và không được đòi hỏi bất kỳ lợi ích nào từ người mình có trách nhiệm trợ giúp.
CHƯƠNG II
QUAN HỆ VỚI KHÁCH HÀNG
Quy tắc 5. Nhận và thực hiện vụ việc.
1, Phải tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng, nếu không được khách hàng đồng ý, không được tự giao việc mình đã nhận cho người khác làm thay.
2, Luật sư chỉ nhận việc theo khả năng của mình, không chạy theo lợi ích vật chất, làm qua loa tắc trách đối với công việc của khách hàng.
3, Khi nhận việc, luật sư phải thông báo cho khách hàng biết rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc dịch vụ pháp lý cho khách hàng và phải có trách nhiệm thực hiện tốt nhất nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng.
4, Quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình, nếu có phát hiện hoặc phát sinh những vấn đề mới cần thông báo cho khách hàng biết.
5, Những việc luật sư đã nhận với khách hàng không được đơn phương từ chối, nếu không được khách hành đồng ý hoặc không có lý do xác đáng.
Quy tắc 6. Ứng xử khi có mâu thuẫn về quyền lợi giữa các khách hàng.
Trong cùng một việc, luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người mà quyền lợi của họ đối lập nhau.
Quy tắc 7. Từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý.
Trường hợp yêu cầu của khách hàng không có căn cứ hoặc biết rõ yêu cầu đó là vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì luật sư có quyền từ chối việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ.
Quy tắc 8. Ứng xử khi chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng.
Trường hợp chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý khi hợp đồng chưa hoàn tất, luật sư phải thông báo cho khách hàng biết rõ lý do và thanh toán sòng phẳng.
Quy tắc 9. Bí mật thông tin.
Trong khi thực hiện nghề nghiệp, luật sư không được tiết lộ những điều liên quan đến vụ việc mà không được khách hàng đồng ý.
Quy tắc 10. Những việc luật sư không được làm.
1, Trong khi hành nghề, luật sư không cộng tác kinh doanh cùng khách hàng, không vay, mượn tiền, tài sản của khách hàng để sinh lợi cho mình.
2, Không soạn thảo hợp đồng để khách hàng tặng, cho mình hoặc người thân thích của mình tài sản của họ.
3, Không nhận tiền hoặc lợi ích khác từ người khác để gây thiệt hại cho khách hàng của mình.
4, Không thuê người khác môi giới dẫn khách hàng cho mình.
5, Không tự mình hoặc cho người đến gia đình bị can, bị cáo để vận động họ thuê mình làm bào chữa.
6, Không hứa hẹn trước kết quả việc tham gia tố tụng nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc tăng thù lao.
7, Không đòi hỏi khách hàng bất kỳ khoản lợi ích gì ngoài thù lao đã thoả thuận.
CHƯƠNG III
QUAN HỆ CỦA LUẬT SƯ VỚI CÁC CƠ QUAN
TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHÁC.
Quy tắc 11. Ứng xử trong tiếp xúc và quan hệ.
Trong khi quan hệ, tiếp xúc với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan Nhà nước khác, luật sư có thái độ lịch sự, tôn trọng các cơ quan này.
Quy tắc 12. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Nhà nước khác.
1, Không được móc nối, lôi kéo những người ở các cơ quan này làm việc trái quy định của pháp luật.
2, Không được cung cấp những thông tin, tài liệu, chứng cứ mà biết rõ không xác thực cho các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Nhà nước khác.
3, Không sử dụng những thủ đoạn nhằm kéo dài, gây khó khăn việc giải quyết vụ việc.
CHƯƠNG IV
QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Quy tắc 13. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp.
Trong quan hệ, cộng tác với đồng nghiệp, luật sư cần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần xây dựng cùng nhau bảo vệ thanh danh uy tín của nghề luật sư.
Quy tắc 14. Đối với đồng nghiệp, luật sư không được:
1, Không xúc phạm hoặc dùng thủ đoạn hạ thấp uy tín của đồng nghiệp để đề cao mình, tranh khách hàng về mình.
2, Trong hoạt động nghề nghiệp, không dùng thủ đoạn cạnh tranh thiếu lành mạnh để lôi kéo khách hàng.
3, Không móc ngoặc với đồng nghiệp đang làm luật sư cho khách hàng khác có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng nhau mưu cầu lợi ích cá nhân trên lợi ích của khách hàng.
Bản Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư này đã được Hội nghị toàn thể luật sư thông qua ngày 29 tháng 5 năm 2004 và có hiệu lực từ ngày Ban Chủ nhiệm ký Quyết định công bố.
( www.vungocdung.info tổng hợp)
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook