Nhiều ngân hàng bị tiếng cho vay “lãi nặng”
Ngân hàng sẽ thua kiện khi xảy ra tranh chấp về lãi suất trong các hợp đồng vay vốn.
Lãi suất cơ bản để cho vay bằng tiền đồng Việt Nam áp dụng từ ngày 1-3 là 8,75%/năm. Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định: Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Như vậy, mức lãi cho vay của các nhà băng chỉ được ở mức 13,1%/năm. Luật quy định như vậy nhưng thực tế ghi nhận của chúng tôi tại các ngân hàng cổ phần thì lãi suất cho vay hiện nay đã ở ngưỡng từ 18%/năm đến trên 22%/năm.
Chuyện gì đang xảy ra?
Lãi cho vay đội ngưỡng trên 22%/năm
Sáng hôm qua, trong vai giám đốc một doanh nghiệp sản xuất cửa nhôm đi vay tiền để mua máy dập khuôn, chúng tôi ghé chi nhánh Lý Thái Tổ (quận 10) của Ngân hàng TMCP Phương Nam. Sau khi nghe tôi trình bày cần vay ngay khoảng 400 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, cô nhân viên phòng kinh doanh chi nhánh cho biết: “Hiện tại mức lãi suất cho vay của ngân hàng em là 1,9%/tháng, tương đương 22,8%/năm và mức lãi sẽ còn cao hơn do anh là khách hàng mới”.
Mức lãi suất cho vay 1,9%/tháng sau đó được chị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh ngân hàng này xác nhận. Chị Oanh cho biết mức lãi này chỉ tăng từ sau ngày 15-2, còn trước đó lãi cho vay chỉ ở ngưỡng 1,05%/tháng. Rời nơi này, chúng tôi ghé chi nhánh Ngân hàng Á Châu ở đường Ngô Gia Tự. Nhân viên tín dụng ở đây cho biết lãi suất cho vay của Ngân hàng Á Châu đang áp dụng là 1,7-1,8%/tháng và mới điều chỉnh, còn trước Tết chỉ ở mức 1,1%/tháng.
Tại chi nhánh quận 10 của Ngân hàng Sacombank thì mức lãi cho vay ở đây cũng tăng cao tương tự như các ngân hàng trên. Thậm chí khi chưa đề cập đến chuyện vay bao nhiêu thì anh Hoài Khanh, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng chi nhánh này nói thẳng, nếu muốn vay thì ngân hàng sẽ tiếp nhận hồ sơ nhưng còn bao giờ đưa tiền thì... không dám hứa. Anh Khanh cũng cho biết hiện nay mọi hồ sơ cho vay sản xuất, kinh doanh ngân hàng tạm thời ngừng lại, vì có cho vay thì lãi suất cũng trên 1,7%/tháng. Theo anh Khanh, các ngân hàng nếu có điều chỉnh lãi cho vay thì chắc phải sau ngày 17-3, tức là ngày các nhà băng bị bắt buộc phải mua tín phiếu Ngân hàng nhà nước.
Không những các ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay lên cao mà đối với những hợp đồng vay cũ các nhà băng cũng tăng luôn lãi, dù trong hợp đồng đã có thỏa thuận về lãi vay. Cụ thể trong ngày hôm qua, phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, chị L. nhà ở quận 4 cho biết: “Tôi vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Phương Đông, Chi nhánh Khánh Hội, trước đây chỉ phải trả với mức lãi suất 1,1%/tháng (theo hợp đồng đã ký kết) nhưng bây giờ ngân hàng này lại thông báo là tôi phải đóng thêm tiền lãi với mức lãi suất mới là 1,4%/tháng”. Lý do ngân hàng đưa ra là để bù vào chi phí khoản chênh lệch do phải tăng lãi suất huy động vốn.
Coi chừng thua!
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về hiện tượng lãi cho vay đột biến trên, luật sư Trịnh Thị Kim Nữ, Trưởng Văn phòng luật sư Kim (quận 1), cho biết theo luật thì rõ ràng những hợp đồng vay với mức lãi suất vượt 13,1%/năm là trái quy định pháp luật. Do đó, trong trường hợp có tranh chấp về lãi suất xảy ra thì tòa chắc chắn sẽ tuyên hợp đồng vay này vô hiệu và phía ngân hàng sẽ bị thiệt hơn là khách hàng.
Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng ban Pháp luật Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nói: “Không cần bàn cãi, nếu có ra tòa thì với những hợp đồng cho vay dạng này chắc chắn ngân hàng đành chịu thua. Bởi lẽ Điều 476 Bộ luật Dân sự đã quy định : “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
Ông Triển cũng cho rằng đây là bất cập của luật vì đã không theo kịp sự điều chỉnh của cuộc sống và tình hình các ngân hàng đang cố chịu. “Xét về bản chất, hoạt động ngành ngân hàng là vay của người dân để cho vay lại. Nên khi cho vay lại chắc chắn trong phần lãi suất cho vay các nhà băng phải tính luôn phần trượt giá cộng thêm lợi nhuận đã trả cho người gửi tiền, cũng như cộng cả chi phí như quản lý, hoạt động của ngân hàng vào... Do đó, nếu cứ chiếu theo luật một cách máy móc thì với mức lãi suất cho vay như hiện nay, các ngân hàng đang mang tiếng là cho vay lãi nặng” - ông Triển băn khoăn.
Ông Trần Đình Triển cũng cho biết: Việc khống chế lãi suất cho vay bất hợp lý tương tự trên, phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản... Hiệp hội đã phân tích những bức xúc của các hội viên về quy định mức lãi suất cho vay như trong luật là không sát thực tế. “Hy vọng sắp tới trong lần sửa đổi một số điều của Bộ luật Dân sự, Quốc hội sẽ thông qua việc sửa quy định về lãi suất cho vay”.
Tín dụng đen tăng lãi chóng mặt Trong những ngày qua khi lãi suất cho vay tại các ngân hàng cổ phần tăng lên đến đỉnh gần 23%/năm thì hoạt động của tín dụng đen bên ngoài cũng được dịp làm khó người cần vay tiền. Một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn tại chợ Tân Bình cho biết vì cần tiền nhập hàng đầu năm đã bấm bụng vay nóng tiền bên ngoài với lãi suất 5%/tháng. Ghi nhận tại các chợ có quy mô tại TP.HCM, chúng tôi thấy tín dụng đen hoạt động sôi nổi trở lại, nhất là khi các ngân hàng cổ phần tạm ngừng xét các hợp đồng vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. |
MAI THẢO
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook