/ / / /

“Liệu pháp” nào cho hàng chục vạn án dân sự tồn đọng ?


“Liệu pháp” nào cho hàng chục vạn án dân sự tồn đọng ?
Trên dưới 300.000 vụ tồn đọng trong thi hành án dân sự (THADS) – một con số nhức nhối đến khó tin, tồn tại suốt nhiều năm qua bất chấp sự hô hào, chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan Nhà nước. Luật THADS sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 với nhiều quy định được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho công tác này. Vậy thực trạng, bất cập của công tác THADS hiện nay là gì? Liệu pháp nào để trị những nhức nhối đó…?

Bước sang năm 2009, "hành trang" lớn nhất của lực lượng THA cả nước là hơn 292.000 vụ việc tồn đọng. Con số không chỉ gây nhức nhối cho xã hội, mà đây càng là nỗi ám ảnh của những người tâm huyết đối với công tác này, đặc biệt là lực lượng làm công tác THADS khi mà Bộ Tư pháp đặt chỉ tiêu là phải giảm 10-15% án tồn trong năm 2009. Chỉ tiêu này là rất lớn nếu biết rằng trong nhiều năm trở lại đây lượng vụ việc tồn đọng hầu như vẫn chỉ dao động trong khoảng trên dưới 300.000 vụ, bất chấp mọi loại nỗ lực, quyết tâm.

Tại hội nghị mới đây bàn về công tác THADS, lãnh đạo cơ quan THADS ở tỉnh Bến Tre đã khẳng định luôn là chỉ tiêu giảm án tồn trên sẽ bất khả thi đối với địa phương này. Phản ứng đó đã cho thấy phần nào sự bế tắc của công tác này hiện nay…

Án không thể thi hành, luật pháp "mất thiêng"

Có thể nói, THADS có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng, bởi bản án, quyết định của Tòa án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Theo quy trình tố tụng, hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước…

Chính vì vậy, Hiến pháp năm 1992 đã quy định rõ: "Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".

Với tầm quan trọng như vậy của công tác thi hành án, từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về thi hành án dân sự, nhất là trong Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Hội đồng Nhà nước trước đây (nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 và gần đây là Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004.

Luật Thi hành án dân sự mới được ban hành cuối năm 2008, chưa có hiệu lực nên công tác THADS hiện nay vẫn phải tuân theo Pháp lệnh THADS năm 2004. Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Cục trưởng Cục THADS (Bộ Tư pháp), kết quả triển khai thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đến nay cho thấy, nhiều quy định về thủ tục thi hành án đã thể hiện được quan điểm cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phù hợp với sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, tháo gỡ kịp thời một số tồn tại, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án.

Tuy nhiên, so với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì Pháp lệnh năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là quy định về trình tự, thủ tục; trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án; cơ chế quản lý, mô hình tổ chức cơ quan thi hành án chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc được giao.

Quyền hạn của cơ quan thi hành án, của chấp hành viên chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa THADS với thi hành án phạt tù, đặc biệt là các vụ án hình sự có bồi thường thiệt hại; chưa tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện xã hội hóa hoạt động THADS…

Các hạn chế, bất cập này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng án dân sự tồn đọng vẫn còn lớn (năm 2005 có 327.658 vụ việc tồn đọng chiếm 58,38%; năm 2006 có 331.092 vụ việc tồn đọng chiếm 54,99%; năm 2007 có 311.443 vụ việc tồn đọng chiếm 48,04%; năm 2008 có 313.428 vụ việc tồn đọng và tồn đọng sang năm 2009 là hơn 292.000 vụ việc), làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của tòa án chưa được bảo đảm, nhiều việc gây bức xúc trong xã hội.

"Cứu cánh" miễn thi hành: Vẫn chưa đủ

Nhìn nhận một cách khách quan, trong hơn 300.000 vụ việc tồn đọng về THADS thì chủ yếu lại là những loại việc không có điều kiện thi hành, do vậy con số dù rất lớn nhưng về cơ bản vẫn là sự thống kê năm này qua năm khác về án tồn không có điều kiện thi hành, nhưng chưa có cơ chế xóa bỏ.

Luật THADS được kỳ vọng sẽ là cứu cánh cho vấn đề này, khi đưa ra quy định tại Điều 61: Miễn thi hành đối với khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 5 năm, tính đến thời điểm Luật có hiệu lực mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành.

Theo tính toán của Cục THADS thì quy định này khi chính thức có hiệu lực, được triển khai sẽ giúp giảm ngay được khoảng 1/3 lượng vụ việc đang tồn đọng (tương đương khoảng 10 vạn vụ việc) và sẽ giúp án tồn tiếp tục giảm đáng kể qua từng năm. Đây là điều đáng mừng khi đã có cơ chế giải quyết từng bước nhức nhối về lượng án tồn không có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, theo những người trong ngành thì đó cũng chỉ là việc xóa đi những con số "chết".

Còn gây nhức nhối hơn cả là các vụ việc tồn đọng dai dẳng, khó thi hành xuất phát từ ý thức chủ quan của các cơ quan hữu trách, trong đó có những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng không thể thi hành, nhiều vụ phải qua nhiều cấp, nhiều cơ quan vào cuộc giải quyết trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm đến nay vẫn bế tắc, gây nhức nhối trong xã hội.

SOURCE: BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN - BÁ TUẤN – NGUYỄN THÁI

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến