/ / / /

Cổ phần hoá Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Ai được trong khi nhà nước mất?


Cổ phần hoá Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Ai được trong khi nhà nước mất?
Dù thị trường chứng khoán bắt đầu nóng lại khoảng hai tháng qua nhưng tiến trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp, đặc biệt là khối tập đoàn, tổng công ty (TCTY) nhà nước vẫn ì ạch. Đến nay, theo ông Phạm Viết Muôn, phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp trung ương, chưa có tập đoàn nào hoàn thành CPH công ty mẹ – tập đoàn, còn các TCTY CPH chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ở đó đang nổi lên những tiêu cực chỗ này, chỗ khác.

 

MẠNH QUÂN

Đứng đầu bảng trong tiêu cực gây thất thoát vốn nhà nước trong quá trình CPH có lẽ phải kể đến Vinaconex (TCTY cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng). Mới đây, văn phòng Chính phủ thông báo thu hồi 900 tỉ đồng từ Vinaconex gồm những khoản như 810 tỉ đồng tiền thặng dư do bán cổ phần lần đầu chưa nộp ngân sách nhà nước, 73 tỉ đồng tiền vốn nhà nước tăng thêm từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi CPH, giá trị quyền sử dụng đất ở một số địa điểm… Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ, cơ quan thanh tra Vinaconex đề nghị thu hồi trên 1.415 tỉ đồng, do còn nhiều khoản khác phải thu liên quan đến giá trị tài sản, quyền sử dụng đất khi Vinaconex CPH.

Trước Vinaconex, từ kết quả giám sát “thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước” do uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội thực hiện cuối năm ngoái, nhiều trường hợp đất đai, vốn và nhiều loại tài sản của Nhà nước đã được chuyển hoá thành tài sản của các tổ chức, cá nhân qua cánh cửa CPH.

Những ví dụ đã được dẫn ra trong thời gian này như công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan (Lâm Đồng) kinh doanh khách sạn ở vị trí đất rất đẹp với diện tích đất thuế là 2.292m2nhưng khi định giá để CPH chỉ có 3,5 tỉ đồng, so với giá đất thị trường có thể gấp nhiều lần. Sau CPH, cổ phần nhà nước tại công ty này chiếm 30% tiếp tục được bán hết. Trường hợp tương tự diễn ra ở khách sạn Phú Gia, một số nhà hàng, khách sạn có vị trí “đắc địa” khác tại Hà Nội, TP.HCM… Một ví dụ điển hình khác là công ty TNHH một thành viên bến xe Miền Đông (TP.HCM) khi xác định giá trị doanh nghiệp ban đầu có 60 tỉ đồng và lợi thế kinh doanh là 9 tỉ đồng. Sau này, xác định lại theo nghị định 109/NĐ-CP, giá trị doanh nghiệp lên tới 1.121 tỉ đồng và lợi thế kinh doanh 1.052 tỉ đồng, tức là gấp 31,4 lần so với giá trị ban đầu.

Có lẽ vì lo ngại tình trạng mất mát tài sản, giá trị vốn nhà nước ở những doanh nghiệp như Vinaconex, công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan… tiếp tục xảy ra, mới đây, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký một văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước có giá trị đất lớn ở một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM… phải báo cáo Chính phủ khi tiến hành CPH.

Nhưng không chỉ có đất đai và không chỉ ở một số thành phố lớn, việc CPH nếu không tính hết tất cả các giá trị tài sản khác như nhà xưởng, trang thiết bị, rồi tài nguyên – khoáng sản, thương hiệu hoặc có tính nhưng mức tính giá rất thấp so với giá thị trường (nhất là giá đất)… thì những giá trị phần vốn không nhỏ của Nhà nước khi CPH sẽ tiếp tục được chuyển giao với giá rẻ mạt cho các tổ chức, cá nhân.

Lấy ví dụ về việc CPH các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV), có thể thấy Nhà nước đã mất gì trong quá trình này. Theo kết luận mới nhất của Kiểm toán Nhà nước tại tập đoàn này, trong số 47 đơn vị đã CPH của TKV, thì tình trạng xác định giá trị tài sản nhà nước tại nhiều doanh nghiệp của các tổ chức định giá đã không chính xác như: chưa xác định lợi thế vị trí đất, chưa đánh giá lợi thế quyền khai thác khoáng sản với các đơn vị có mỏ, quặng quý hiếm và than có giá trị rất cao trên thị trường. Cụ thể như công ty cổ phần Công nghiệp ôtô được giao 9.943m2 đất sử dụng lâu dài để làm sân vận động, nhà trẻ nhưng không tính giá trị sử dụng đất khi CPH. Công ty cổ phần Chế tạo máy có tổng diện tích đang quản lý là 250.619m2 nhưng chưa tính giá trị quyền sử dụng đất vào vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, riêng tại công ty này, việc tính lợi thế kinh doanh không đúng đã dẫn tới làm mất vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp và trong cơ cấu vốn là trên 12 tỉ đồng. Tại công ty cổ phần than Vàng Danh, giá trị tài sản không cần dùng, được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp gần 4,4 tỉ đồng. Số tài sản này hiện vẫn chưa xử lý.

Một vấn đề đáng nói nữa trong việc CPH các tập đoàn, TCTY nhà nước là việc xử lý vốn thặng dư khi bán tài sản, cổ phần nhà nước. Vinaconex mới là ví dụ nhãn tiền về sự thất thoát (nếu như Thanh tra Chính phủ không can thiệp). Theo uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, số tiền bán tài sản, cổ phần của khối tập đoàn, TCTY nhà nước rất lớn. Theo quy định, các tập đoàn, TCTY được sử dụng để đầu tư vào các đơn vị thành viên. Số cổ tức thu được, được coi là một khoản thu nhập kinh doanh về tài chính của tập đoàn và chỉ phải nộp 28% thuế thu nhập doanh nghiệp, theo uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, là “không hợp lý” và cần phải được coi là khoản đầu tư của Nhà nước, phải nộp vào ngân sách. “Số vốn để lại quá lớn so với yêu cầu cần thiết sẽ dẫn đến việc đầu tư, sử dụng vốn không hiệu quả”, uỷ ban này đã đưa ra đánh giá. Lấy ví dụ như tập đoàn Điện lực Việt Nam, tiền bán tài sản, cổ phần nhà nước trước đây được trên 7.000 tỉ đồng, đã đầu tư sau khi xin phép Chính phủ là 5.913 tỉ đồng; cổ tức thu được từ cổ phần của Nhà nước, riêng năm 2006 đã được 675 tỉ đồng, năm 2007 được 653 tỉ đồng, chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận của công ty mẹ – tập đoàn.

Theo một quan chức của bộ Công thương – một bộ quản khá nhiều tập đoàn lớn, TCTY của Nhà nước thì thời điểm 2010 – năm tất cả khối doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành CPH để chuyển sang hoạt động theo luật Doanh nghiệp (theo yêu cầu của nghị quyết Quốc hội) đã cận kề. Nhưng đến giờ, tiến trình CPH khối tập đoàn, TCTY còn quá chậm như vậy thì nhiều khả năng sẽ không thực hiện được (uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, sẽ có ít nhất 700 doanh nghiệp không thể hoàn thành CPH trước thời điểm này – PV). Nếu cố gắng ép, đẩy nhanh tiến  độ CPH, trong khi cơ chế giám sát, kiểm tra, định giá… không được chặt chẽ, chắc chắn, một lượng lớn giá trị tài sản, đất đai, tài nguyên… mà nhiều tập đoàn, TCTY lớn hiện vẫn nắm giữ sẽ bị mất đi. Nhưng dường như, đến thời điểm này, người ta vẫn chưa có một giải pháp nào tốt hơn cho vấn đề rất lớn này.

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến