Luật bảo vệ người tiêu dùng có nên quy định tổ chức là người tiêu dùng?
Trong pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, việc quan niệm người tiêu dùng chỉ có thể là cá nhân, hay bao gồm cả cá nhân và tổ chức sẽ kéo theo nhiều hệ quả pháp lý. Bài viết đưa ra một số lý giải về khái niệm người tiêu dùng ở khía cạnh có nên coi tổ chức là người tiêu dùng hay không và Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay nên tiếp cận vấn đề này như thế nào.
1. Vị trí của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng
Trước hết, cần khẳng định các chủ thể tham gia các quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ là những chủ thể của các quan hệ tư, được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, có đặc trưng là tự nguyện, bình đẳng và tự do ý chí. Pháp luật dân sự dựa trên một giả định là giữa các bên tham gia vào quan hệ phải có sự bình đẳng, và khi một bên đồng ý với các điều kiện giao dịch nhất định thì đó là mong muốn của họ, và pháp luật không can thiệp vào mong muốn đó. Chỉ trong trường hợp có sự hạn chế về mặt ý chí của một bên, dẫn đến mất khả năng thỏa thuận một cách bình đẳng (như mất năng lực hành vi, hạn chế năng lực hành vi, lừa dối, cưỡng ép v.v..) thì pháp luật dân sự mới can thiệp vào sự thỏa thuận này, thông qua việc trao cho các chủ thể các quyền năng nhất định để khôi phục quyền lợi của mình như quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại…
Quan hệ giữa người tiêu dùng và các chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ trước hết cũng là quan hệ tư và do vậy, được điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật dân sự. Vấn đề là ở chỗ tự thân trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và các chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã tồn tại sự bất bình đẳng. “Trong giao dịch tiêu dùng, các hành vi thương mại không công bằng đang trở nên rất phổ biến… Việc tiếp thị hàng hóa và dịch vụ được thực hiện bằng những đơn vị có tổ chức và bởi các nhà kinh doanh đã được huấn luyện. Những người tiêu dùng không được đào tạo không ở vị trí ngang bằng với những thương gia, những người đang cố gắng thuyết phục họ mua hàng hóa và dịch vụ với các điều khoản và điều kiện giao dịch thích hợp cho người bán. Người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ”1. Phân tích này cũng cho thấy nguyên tắc caveat emptor (let the buyer beware), tức là để người tiêu dùng tự ý thức và quyết định không còn thích hợp với tư cách là nguyên tắc chung chi phối toàn bộ các giao dịch nữa2. Mặc dù trong tất cả các trường hợp, người tiêu dùng về lý thuyết đều có quyền tự do lựa chọn sử dụng hay không sử dụng một loại hàng hóa, dịch vụ, song sự lựa chọn đó không dựa trên những thông tin đầy đủ (chỉ có nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ với những điều kiện về kinh tế, kỹ thuật ưu thế hơn mới có điều kiện hiểu đầy đủ những hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp); người tiêu dùng cũng không đủ khả năng thương lượng, thỏa thuận (vì lý do thời gian, lý do thiếu thông tin và thiếu sự chuyên nghiệp) và cũng ít nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nào lại đủ kiên nhẫn để thương lượng, thỏa thuận với tất cả người tiêu dùng (không đủ thời gian, nhân lực và chi phí, khi số lượng người tiêu dùng mà họ phục vụ là rất lớn). Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi nền kinh tế, dù là nền kinh tế phát triển hay đang hoặc chậm phát triển, sự thiếu cân bằng về thông tin giữa người tiêu dùng và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ luôn tồn tại và đây là lý do chính mà Nhà nước phải can thiệp vào các mối quan hệ tư này nhằm bảo vệ những giá trị xã hội quan trọng là sức khỏe, tính mạng con người, niềm tin đối với sự bảo vệ từ phía Nhà nước và sự ổn định của nền kinh tế. Bảo vệ người tiêu dùng đúng mức, hiệu quả sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Với ý nghĩa đó, lý do cơ bản để Nhà nước can thiệp vào các quan hệ giữa người tiêu dùng với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ chính là do sự yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ. Sự can thiệp này bổ sung những biện pháp bảo vệ cần thiết (bên cạnh các biện pháp được luật dân sự quy định) nhằm khắc phục những thiệt thòi mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
2. So sánh các biện pháp can thiệp của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng với các biện pháp can thiệp của pháp luật dân sự
Một trong những điểm khác biệt quan trọng phân biệt pháp luật dân sự với pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là ở chỗ, nếu như pháp luật dân sự dựa trên một giả định là luôn tồn tại sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự, thì pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, ngược lại, dựa trên giả định luôn tồn tại sự bất bình đẳng giữa người tiêu dùng và các chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ có một hợp đồng tín dụng được ký hoàn toàn trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện giữa một ngân hàng và một tổ chức. Hợp đồng này có điều khoản “bên vay đồng ý rằng bên cho vay có quyền tuyên bố một sự kiện là vi phạm hợp đồng và lấy căn cứ này để tuyên bố khoản vay đến hạn”. Nếu xét từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng thì hợp đồng này sẽ được xem xét ở góc độ có tạo ra sự bất bình đẳng do ngân hàng lạm dụng vị trí ưu thế của mình hay không khi đưa ra điều khoản này. Trong khi nếu xét từ góc độ pháp luật dân sự thì hợp đồng này chỉ được xem xét chủ yếu ở khía cạnh có được ký dựa trên sự tự nguyện không.
Cách tiếp cận này dẫn đến sự xuất hiện của của chế định về hành vi thương mại không công bằng (unfair trade practice), chế định về hợp đồng tiêu dùng (consumer contract) và trách nhiệm sản phẩm (product liability). Đây là ba thành tố quan trọng tạo nên pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Dựa trên chế định về hành vi thương mại không công bằng, một hành vi có thể không bị coi là vi phạm pháp luật dân sự nhưng có thể bị coi là vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nếu có yếu tố cho thấy có sự lạm dụng sự yếu thế của người tiêu dùng3 và đó chính là căn cứ để người tiêu dùng có thể kiện yêu cầu khôi phục quyền lợi. Đối với chế định về hợp đồng tiêu dùng, khi tham gia một quan hệ hợp đồng dân sự thông thường, bên cho rằng mình bị thiệt hại do hợp đồng và yêu cầu khôi phục quyền lợi phải chứng minh là không có sự bình đẳng khi giao kết hợp đồng (có thể bằng việc chứng minh mình bị cưỡng ép, bị lừa dối hoặc các yếu tố khác làm mất khả năng nhận thức hoặc định đoạt). Ngược lại, trong hợp đồng giao kết giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp, người tiêu dùng bị thiệt hại do hợp đồng có thể yêu cầu hủy hợp đồng mà không cần chứng minh sự bất bình đẳng khi giao kết, mà chỉ cần chỉ ra trong hợp đồng có điều khoản bất lợi cho họ. Cũng như vậy, với chế định trách nhiệm sản phẩm, nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại mà khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng, bởi họ ở vị trí có thể biết rõ hơn người tiêu dùng về các khuyết tật đó cũng như có khả năng cao hơn người tiêu dùng trong việc loại trừ các khuyết tật này.
3. Tổ chức có phải là người tiêu dùng xét từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng
Ở góc độ này, nếu xét mối quan hệ giữa tổ chức với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì tính yếu thế đã giảm đi rất nhiều. Các tổ chức thường có nhiều nguồn lực (bao gồm nhân lực, trí lực, tài lực), có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, cơ chế hoạt động và điều hành phù hợp với đặc thù của mình. Những người đại diện cho tổ chức khi tham gia vào mối quan hệ với các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ - vì đại diện cho lợi ích của nhiều người - thường phải là những người đã được tổ chức lựa chọn và chịu sự ràng buộc nhất định đối với tổ chức, được đặt dưới một cơ chế kiểm soát, giám sát nhất định và phải chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm này buộc đại diện của tổ chức khi tham gia vào các mối quan hệ với những người cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải nỗ lực hết sức mình vì lợi ích của cả tập thể. Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lợi ích của chính bản thân tạo ra động lực cao hơn khi con người đó đại diện cho lợi ích tập thể. Tuy nhiên, ở góc độ khái quát nhất thì việc đại diện cho tập thể tạo ra sức ép nhất định đối với người trực tiếp thực hiện giao dịch, hơn nữa việc đại diện cho tập thể cũng cho phép người tham gia giao dịch có những công cụ tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ của mình (như hội đồng tư vấn, cơ chế đấu thầu, sự hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật v.v..), điều mà các cá nhân gần như không thể có được. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ cũng dành cho các tổ chức cơ hội thương lượng, thỏa thuận nhiều hơn đối với các cá nhân. Khi sự yếu thế của một bên giao dịch không còn chi phối thì việc xác lập các biện pháp bảo vệ cũng không cần thiết. Việc giới hạn mức độ can thiệp đối với các giao dịch của tổ chức cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi các tổ chức phải đề cao trách nhiệm tự bảo vệ, qua đó đòi hỏi trách nhiệm cao đối với những người đại diện cho tổ chức.
Ngay cả trong các trường hợp người tham gia giao dịch là tổ chức thì kết quả của giao dịch đó cũng có thể dẫn đến việc cá nhân mới thực sự là người tiêu dùng (chẳng hạn như doanh nghiệp mua thực phẩm về cho công nhân ăn trưa). Tuy nhiên, nếu lấy mục đích tiêu dùng này để cho rằng, các tổ chức xứng đáng được bảo vệ như những người đã dùng thực phẩm này là không xác đáng. Việc bảo vệ các tổ chức trong mối quan hệ với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ đặt ra khi thực hiện các giao dịch trực tiếp với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ và như đã phân tích trên đây, sự yếu thế không thực sự đáng kể. Còn đối với các thiệt hại cụ thể mà các cá nhân là thành viên của tổ chức phải gánh chịu khi trực tiếp tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tổ chức mua về thì không có bất kỳ cản trở nào về mặt pháp lý ngăn cản các cá nhân này được yêu cầu khôi phục quyền lợi với tư cách là những người tiêu dùng. Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ yêu cầu người tiêu dùng là người tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ để tiêu dùng chứ không đòi hỏi phải có giao dịch trực tiếp với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Còn nếu bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ không tuân thủ cam kết gây thiệt hại cho tổ chức thì tổ chức hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp của pháp luật dân sự để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. Như vậy, mục đích bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ lợi ích của tổ chức với tư cách là một bên trong giao dịch vẫn đạt được mà không cần coi các tổ chức là người tiêu dùng.
4. Những hệ lụy pháp lý khi coi tổ chức là người tiêu dùng
Việc coi tổ chức là người tiêu dùng sẽ dẫn đến những trường hợp mà mối quan hệ giữa các chủ thể hoàn toàn bình đẳng nhưng vẫn có sự can thiệp và bảo vệ của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, dẫn đến thiệt hại cho phía nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, mặc dù họ không lạm dụng sự yếu thế của người mua. Điều đó không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm giảm trách nhiệm của những người đại diện tổ chức khi tham gia vào các quan hệ dân sự và làm ảnh hưởng đến trật tự và tính ổn định của các giao dịch dân sự. Quan niệm này cũng sẽ dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng, nhất là để xác định trong một giao dịch cụ thể, tổ chức có được coi là người tiêu dùng hay không. Khi dựa trên dấu hiệu cơ bản nhất để xác định người tiêu dùng là tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ với mục đích tiêu dùng, việc xác định một tổ chức mua một loại hàng hóa hay sử dụng một loại dịch vụ vì mục đích thương mại hay mục đích tiêu dùng không phải dễ dàng. Chẳng hạn, tổ chức vay tiền để xây nhà ở phúc lợi cho nhân viên thì được coi là tiêu dùng hay thương mại. Hay một tổ chức mua thực phẩm về phục vụ cho công nhân ăn trưa, chắc rằng vẫn sẽ có người tranh luận chi phí ăn trưa nằm trong quá trình tái sản xuất sức lao động và phục vụ cho mục đích kinh doanh chung, không thể coi là vì mục đích tiêu dùng và ngược lại, sẽ có người khác phản biện lại rằng rõ ràng tổ chức đó mua thực phẩm về không có mục đích bán lại mà để tiêu dùng tại chỗ, phải được coi là để tiêu dùng. Như vậy, trên thực tế rất có thể có những cách giải thích pháp luật khác nhau và dẫn đến cùng một giao dịch giống nhau nhưng có nơi sẽ coi là giao dịch tiêu dùng và áp dụng các biện pháp can thiệp như đối với người tiêu dùng và nơi khác lại không coi là giao dịch tiêu dùng và biện pháp can thiệp của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng không được áp dụng.
Pháp luật các nước quan niệm tương đối rõ về người tiêu dùng xét ở nhu cầu cần bảo vệ. Xin viện dẫn một số liệu sau đây. Trong Báo cáo tóm tắt nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng do Bộ Công thương chuẩn bị, dựa trên nghiên cứu pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của 15 quốc gia4 thì chỉ có Hàn Quốc coi pháp nhân cũng có thể là người tiêu dùng. Phần lớn các quốc gia chỉ quy định người tiêu dùng là cá nhân, thể hiện quan điểm luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ bảo vệ đối với cá nhân, còn pháp nhân có những vị thế và điều kiện tốt hơn so với cá nhân trong quan hệ với nhà cung cấp nên luật bảo vệ người tiêu dùng không nhất thiết phải can thiệp vào quan hệ của họ5.
5. Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay của Việt Nam cần tiếp cận theo xu thế chung của thế giới
Trong nhiều vấn đề khác, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Dự thảo) đã căn cứ vào những kinh nghiệm và thực tiễn pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của nhiều nước, nhất là trong việc bảo vệ những người tiêu dùng do họ bị yếu để tạo ra sự cân bằng trong giao dịch với người tiêu dùng6. Các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong Dự thảo về cơ bản cũng được xác lập theo hướng này và cũng đã bao hàm các biện pháp bảo vệ nền tảng đã được thiết lập theo thông lệ chung như: sử dụng chế định về hành vi thương mại không công bằng (thông qua quy định về trách nhiệm thông tin cho người tiêu dùng7, quy định về hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn8, hành vi quấy rối9, ép buộc người tiêu dùng10,) sử dụng chế định về hợp đồng tiêu dùng11, chế định về trách nhiệm sản phẩm12. Các biện pháp này củng cố thêm cơ chế pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam bằng việc trao thêm cho người tiêu dùng các công cụ để có thể bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời cũng cho phép Nhà nước can thiệp vào các quan hệ giữa nhà cung cấp với người tiêu dùng và tạo khả năng để các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đứng ra khởi kiện, nhằm bảo vệ quyền cho người tiêu dùng khi có hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng từ phía nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Song, tất cả các công cụ cũng như khả năng can thiệp này sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu được áp dụng với những quan hệ tiêu dùng theo đúng nghĩa, tức là áp dụng để bảo vệ với những người tiêu dùng yếu thế trong quan hệ với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, khái niệm người tiêu dùng được quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo vẫn coi người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức, cá nhân13. Có nghĩa là các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng sẽ được áp dụng trong trường hợp tổ chức thực hiện giao dịch với các nhà cung cấp. Như đã phân tích ở trên, việc áp dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp này sẽ gây ra những hệ lụy không tốt về mặt pháp lý, làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của các giao dịch dân sự. Các tổ chức - thay vì sử dụng các điều kiện mình có để tự bảo vệ - sẽ dựa dẫm vào Nhà nước. Chẳng hạn, họ có thể không cần kiểm tra giá cả mà vẫn quyết định mua sắm bởi sau đó, họ có thể dựa vào lý do doanh nghiệp không niêm yết giá, hay doanh nghiệp đã tăng giá từ trước rồi dùng chiêu khuyến mại giảm giá để thu hút họ mua hàng (tức là doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng) để yêu cầu hủy giao dịch hoặc đòi bồi thường thiệt hại.
Để đảm bảo tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận của luật dân sự, nâng cao trách nhiệm của những người đại diện tổ chức khi tham gia vào các giao dịch dân sự và để phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không nên áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đối với tổ chức hay nói cách khác, không nên coi tổ chức là người tiêu dùng. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện một trong những quan điểm xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng mà Ban soạn thảo đã để ra là “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh”14.
(1) Xem Thuyết minh Dự luật về Các hành vi thương mại trước Nghị viện Anh năm 1973.
(2) Xem Consumer protection Law- Goldring, Maher, McKeough, Pearson- Fifth Edition- The Federation Press.
(3) Có thể kể ra một số loại hành vi như: khuyến mại giả hiệu (tăng giá lên cao rồi đưa ra chiêu bài khuyến mại giảm giá) hay có những hành động, lời nói làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về tính năng, công dụng của sản phẩm, hay có những hành vi thúc ép gây phiền phức khiến người tiêu dùng, vì muốn tránh sự phiền phức này mà phải mua hàng hóa dịch vụ.
(4)Bao gồm Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Hồng Công, Ấn Độ, Na Uy, Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Malayxia, Anh.
(5) Xem hồ sơ Dự án luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(6) Xem Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 4/5/2010 về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Nguồn: http://duthaoonline. quochoi.vn).
(7) Điều 10 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Nguồn: http://duthaoonline.quochoi.vn).
(8) Điều 11 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(9) Điều 12 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(10) Điều 13 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(11) Xem Chương III Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(12) Điều 23, 24, 25 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(13) Khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định “Người tiêu dùng là các cá nhân, tổ chức mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ không nhằm mục đích bán lại”.
(14) Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 4 tháng 5 năm 2010 về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Nguồn: http://duthaoonline. quochoi.vn)
GS, TS. Lê Hồng Hạnh; ThS. Trần Thị Quang Hồng - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
1. Vị trí của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng
Trước hết, cần khẳng định các chủ thể tham gia các quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ là những chủ thể của các quan hệ tư, được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, có đặc trưng là tự nguyện, bình đẳng và tự do ý chí. Pháp luật dân sự dựa trên một giả định là giữa các bên tham gia vào quan hệ phải có sự bình đẳng, và khi một bên đồng ý với các điều kiện giao dịch nhất định thì đó là mong muốn của họ, và pháp luật không can thiệp vào mong muốn đó. Chỉ trong trường hợp có sự hạn chế về mặt ý chí của một bên, dẫn đến mất khả năng thỏa thuận một cách bình đẳng (như mất năng lực hành vi, hạn chế năng lực hành vi, lừa dối, cưỡng ép v.v..) thì pháp luật dân sự mới can thiệp vào sự thỏa thuận này, thông qua việc trao cho các chủ thể các quyền năng nhất định để khôi phục quyền lợi của mình như quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại…
Quan hệ giữa người tiêu dùng và các chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ trước hết cũng là quan hệ tư và do vậy, được điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật dân sự. Vấn đề là ở chỗ tự thân trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và các chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã tồn tại sự bất bình đẳng. “Trong giao dịch tiêu dùng, các hành vi thương mại không công bằng đang trở nên rất phổ biến… Việc tiếp thị hàng hóa và dịch vụ được thực hiện bằng những đơn vị có tổ chức và bởi các nhà kinh doanh đã được huấn luyện. Những người tiêu dùng không được đào tạo không ở vị trí ngang bằng với những thương gia, những người đang cố gắng thuyết phục họ mua hàng hóa và dịch vụ với các điều khoản và điều kiện giao dịch thích hợp cho người bán. Người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ”1. Phân tích này cũng cho thấy nguyên tắc caveat emptor (let the buyer beware), tức là để người tiêu dùng tự ý thức và quyết định không còn thích hợp với tư cách là nguyên tắc chung chi phối toàn bộ các giao dịch nữa2. Mặc dù trong tất cả các trường hợp, người tiêu dùng về lý thuyết đều có quyền tự do lựa chọn sử dụng hay không sử dụng một loại hàng hóa, dịch vụ, song sự lựa chọn đó không dựa trên những thông tin đầy đủ (chỉ có nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ với những điều kiện về kinh tế, kỹ thuật ưu thế hơn mới có điều kiện hiểu đầy đủ những hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp); người tiêu dùng cũng không đủ khả năng thương lượng, thỏa thuận (vì lý do thời gian, lý do thiếu thông tin và thiếu sự chuyên nghiệp) và cũng ít nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nào lại đủ kiên nhẫn để thương lượng, thỏa thuận với tất cả người tiêu dùng (không đủ thời gian, nhân lực và chi phí, khi số lượng người tiêu dùng mà họ phục vụ là rất lớn). Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi nền kinh tế, dù là nền kinh tế phát triển hay đang hoặc chậm phát triển, sự thiếu cân bằng về thông tin giữa người tiêu dùng và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ luôn tồn tại và đây là lý do chính mà Nhà nước phải can thiệp vào các mối quan hệ tư này nhằm bảo vệ những giá trị xã hội quan trọng là sức khỏe, tính mạng con người, niềm tin đối với sự bảo vệ từ phía Nhà nước và sự ổn định của nền kinh tế. Bảo vệ người tiêu dùng đúng mức, hiệu quả sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Với ý nghĩa đó, lý do cơ bản để Nhà nước can thiệp vào các quan hệ giữa người tiêu dùng với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ chính là do sự yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ. Sự can thiệp này bổ sung những biện pháp bảo vệ cần thiết (bên cạnh các biện pháp được luật dân sự quy định) nhằm khắc phục những thiệt thòi mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
2. So sánh các biện pháp can thiệp của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng với các biện pháp can thiệp của pháp luật dân sự
Một trong những điểm khác biệt quan trọng phân biệt pháp luật dân sự với pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là ở chỗ, nếu như pháp luật dân sự dựa trên một giả định là luôn tồn tại sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự, thì pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, ngược lại, dựa trên giả định luôn tồn tại sự bất bình đẳng giữa người tiêu dùng và các chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ có một hợp đồng tín dụng được ký hoàn toàn trên cơ sở thỏa thuận và tự nguyện giữa một ngân hàng và một tổ chức. Hợp đồng này có điều khoản “bên vay đồng ý rằng bên cho vay có quyền tuyên bố một sự kiện là vi phạm hợp đồng và lấy căn cứ này để tuyên bố khoản vay đến hạn”. Nếu xét từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng thì hợp đồng này sẽ được xem xét ở góc độ có tạo ra sự bất bình đẳng do ngân hàng lạm dụng vị trí ưu thế của mình hay không khi đưa ra điều khoản này. Trong khi nếu xét từ góc độ pháp luật dân sự thì hợp đồng này chỉ được xem xét chủ yếu ở khía cạnh có được ký dựa trên sự tự nguyện không.
Cách tiếp cận này dẫn đến sự xuất hiện của của chế định về hành vi thương mại không công bằng (unfair trade practice), chế định về hợp đồng tiêu dùng (consumer contract) và trách nhiệm sản phẩm (product liability). Đây là ba thành tố quan trọng tạo nên pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Dựa trên chế định về hành vi thương mại không công bằng, một hành vi có thể không bị coi là vi phạm pháp luật dân sự nhưng có thể bị coi là vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nếu có yếu tố cho thấy có sự lạm dụng sự yếu thế của người tiêu dùng3 và đó chính là căn cứ để người tiêu dùng có thể kiện yêu cầu khôi phục quyền lợi. Đối với chế định về hợp đồng tiêu dùng, khi tham gia một quan hệ hợp đồng dân sự thông thường, bên cho rằng mình bị thiệt hại do hợp đồng và yêu cầu khôi phục quyền lợi phải chứng minh là không có sự bình đẳng khi giao kết hợp đồng (có thể bằng việc chứng minh mình bị cưỡng ép, bị lừa dối hoặc các yếu tố khác làm mất khả năng nhận thức hoặc định đoạt). Ngược lại, trong hợp đồng giao kết giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp, người tiêu dùng bị thiệt hại do hợp đồng có thể yêu cầu hủy hợp đồng mà không cần chứng minh sự bất bình đẳng khi giao kết, mà chỉ cần chỉ ra trong hợp đồng có điều khoản bất lợi cho họ. Cũng như vậy, với chế định trách nhiệm sản phẩm, nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại mà khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng, bởi họ ở vị trí có thể biết rõ hơn người tiêu dùng về các khuyết tật đó cũng như có khả năng cao hơn người tiêu dùng trong việc loại trừ các khuyết tật này.
3. Tổ chức có phải là người tiêu dùng xét từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng
Ở góc độ này, nếu xét mối quan hệ giữa tổ chức với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì tính yếu thế đã giảm đi rất nhiều. Các tổ chức thường có nhiều nguồn lực (bao gồm nhân lực, trí lực, tài lực), có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, cơ chế hoạt động và điều hành phù hợp với đặc thù của mình. Những người đại diện cho tổ chức khi tham gia vào mối quan hệ với các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ - vì đại diện cho lợi ích của nhiều người - thường phải là những người đã được tổ chức lựa chọn và chịu sự ràng buộc nhất định đối với tổ chức, được đặt dưới một cơ chế kiểm soát, giám sát nhất định và phải chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm này buộc đại diện của tổ chức khi tham gia vào các mối quan hệ với những người cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải nỗ lực hết sức mình vì lợi ích của cả tập thể. Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lợi ích của chính bản thân tạo ra động lực cao hơn khi con người đó đại diện cho lợi ích tập thể. Tuy nhiên, ở góc độ khái quát nhất thì việc đại diện cho tập thể tạo ra sức ép nhất định đối với người trực tiếp thực hiện giao dịch, hơn nữa việc đại diện cho tập thể cũng cho phép người tham gia giao dịch có những công cụ tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ của mình (như hội đồng tư vấn, cơ chế đấu thầu, sự hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật v.v..), điều mà các cá nhân gần như không thể có được. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ cũng dành cho các tổ chức cơ hội thương lượng, thỏa thuận nhiều hơn đối với các cá nhân. Khi sự yếu thế của một bên giao dịch không còn chi phối thì việc xác lập các biện pháp bảo vệ cũng không cần thiết. Việc giới hạn mức độ can thiệp đối với các giao dịch của tổ chức cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi các tổ chức phải đề cao trách nhiệm tự bảo vệ, qua đó đòi hỏi trách nhiệm cao đối với những người đại diện cho tổ chức.
Ngay cả trong các trường hợp người tham gia giao dịch là tổ chức thì kết quả của giao dịch đó cũng có thể dẫn đến việc cá nhân mới thực sự là người tiêu dùng (chẳng hạn như doanh nghiệp mua thực phẩm về cho công nhân ăn trưa). Tuy nhiên, nếu lấy mục đích tiêu dùng này để cho rằng, các tổ chức xứng đáng được bảo vệ như những người đã dùng thực phẩm này là không xác đáng. Việc bảo vệ các tổ chức trong mối quan hệ với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ đặt ra khi thực hiện các giao dịch trực tiếp với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ và như đã phân tích trên đây, sự yếu thế không thực sự đáng kể. Còn đối với các thiệt hại cụ thể mà các cá nhân là thành viên của tổ chức phải gánh chịu khi trực tiếp tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tổ chức mua về thì không có bất kỳ cản trở nào về mặt pháp lý ngăn cản các cá nhân này được yêu cầu khôi phục quyền lợi với tư cách là những người tiêu dùng. Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ yêu cầu người tiêu dùng là người tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ để tiêu dùng chứ không đòi hỏi phải có giao dịch trực tiếp với người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Còn nếu bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ không tuân thủ cam kết gây thiệt hại cho tổ chức thì tổ chức hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp của pháp luật dân sự để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. Như vậy, mục đích bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ lợi ích của tổ chức với tư cách là một bên trong giao dịch vẫn đạt được mà không cần coi các tổ chức là người tiêu dùng.
4. Những hệ lụy pháp lý khi coi tổ chức là người tiêu dùng
Việc coi tổ chức là người tiêu dùng sẽ dẫn đến những trường hợp mà mối quan hệ giữa các chủ thể hoàn toàn bình đẳng nhưng vẫn có sự can thiệp và bảo vệ của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, dẫn đến thiệt hại cho phía nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, mặc dù họ không lạm dụng sự yếu thế của người mua. Điều đó không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm giảm trách nhiệm của những người đại diện tổ chức khi tham gia vào các quan hệ dân sự và làm ảnh hưởng đến trật tự và tính ổn định của các giao dịch dân sự. Quan niệm này cũng sẽ dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng, nhất là để xác định trong một giao dịch cụ thể, tổ chức có được coi là người tiêu dùng hay không. Khi dựa trên dấu hiệu cơ bản nhất để xác định người tiêu dùng là tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ với mục đích tiêu dùng, việc xác định một tổ chức mua một loại hàng hóa hay sử dụng một loại dịch vụ vì mục đích thương mại hay mục đích tiêu dùng không phải dễ dàng. Chẳng hạn, tổ chức vay tiền để xây nhà ở phúc lợi cho nhân viên thì được coi là tiêu dùng hay thương mại. Hay một tổ chức mua thực phẩm về phục vụ cho công nhân ăn trưa, chắc rằng vẫn sẽ có người tranh luận chi phí ăn trưa nằm trong quá trình tái sản xuất sức lao động và phục vụ cho mục đích kinh doanh chung, không thể coi là vì mục đích tiêu dùng và ngược lại, sẽ có người khác phản biện lại rằng rõ ràng tổ chức đó mua thực phẩm về không có mục đích bán lại mà để tiêu dùng tại chỗ, phải được coi là để tiêu dùng. Như vậy, trên thực tế rất có thể có những cách giải thích pháp luật khác nhau và dẫn đến cùng một giao dịch giống nhau nhưng có nơi sẽ coi là giao dịch tiêu dùng và áp dụng các biện pháp can thiệp như đối với người tiêu dùng và nơi khác lại không coi là giao dịch tiêu dùng và biện pháp can thiệp của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng không được áp dụng.
Pháp luật các nước quan niệm tương đối rõ về người tiêu dùng xét ở nhu cầu cần bảo vệ. Xin viện dẫn một số liệu sau đây. Trong Báo cáo tóm tắt nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng do Bộ Công thương chuẩn bị, dựa trên nghiên cứu pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của 15 quốc gia4 thì chỉ có Hàn Quốc coi pháp nhân cũng có thể là người tiêu dùng. Phần lớn các quốc gia chỉ quy định người tiêu dùng là cá nhân, thể hiện quan điểm luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ bảo vệ đối với cá nhân, còn pháp nhân có những vị thế và điều kiện tốt hơn so với cá nhân trong quan hệ với nhà cung cấp nên luật bảo vệ người tiêu dùng không nhất thiết phải can thiệp vào quan hệ của họ5.
5. Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay của Việt Nam cần tiếp cận theo xu thế chung của thế giới
Trong nhiều vấn đề khác, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Dự thảo) đã căn cứ vào những kinh nghiệm và thực tiễn pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của nhiều nước, nhất là trong việc bảo vệ những người tiêu dùng do họ bị yếu để tạo ra sự cân bằng trong giao dịch với người tiêu dùng6. Các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong Dự thảo về cơ bản cũng được xác lập theo hướng này và cũng đã bao hàm các biện pháp bảo vệ nền tảng đã được thiết lập theo thông lệ chung như: sử dụng chế định về hành vi thương mại không công bằng (thông qua quy định về trách nhiệm thông tin cho người tiêu dùng7, quy định về hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn8, hành vi quấy rối9, ép buộc người tiêu dùng10,) sử dụng chế định về hợp đồng tiêu dùng11, chế định về trách nhiệm sản phẩm12. Các biện pháp này củng cố thêm cơ chế pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam bằng việc trao thêm cho người tiêu dùng các công cụ để có thể bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời cũng cho phép Nhà nước can thiệp vào các quan hệ giữa nhà cung cấp với người tiêu dùng và tạo khả năng để các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đứng ra khởi kiện, nhằm bảo vệ quyền cho người tiêu dùng khi có hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng từ phía nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Song, tất cả các công cụ cũng như khả năng can thiệp này sẽ chỉ phát huy tác dụng nếu được áp dụng với những quan hệ tiêu dùng theo đúng nghĩa, tức là áp dụng để bảo vệ với những người tiêu dùng yếu thế trong quan hệ với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, khái niệm người tiêu dùng được quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo vẫn coi người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức, cá nhân13. Có nghĩa là các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng sẽ được áp dụng trong trường hợp tổ chức thực hiện giao dịch với các nhà cung cấp. Như đã phân tích ở trên, việc áp dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp này sẽ gây ra những hệ lụy không tốt về mặt pháp lý, làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của các giao dịch dân sự. Các tổ chức - thay vì sử dụng các điều kiện mình có để tự bảo vệ - sẽ dựa dẫm vào Nhà nước. Chẳng hạn, họ có thể không cần kiểm tra giá cả mà vẫn quyết định mua sắm bởi sau đó, họ có thể dựa vào lý do doanh nghiệp không niêm yết giá, hay doanh nghiệp đã tăng giá từ trước rồi dùng chiêu khuyến mại giảm giá để thu hút họ mua hàng (tức là doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng) để yêu cầu hủy giao dịch hoặc đòi bồi thường thiệt hại.
Để đảm bảo tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận của luật dân sự, nâng cao trách nhiệm của những người đại diện tổ chức khi tham gia vào các giao dịch dân sự và để phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không nên áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đối với tổ chức hay nói cách khác, không nên coi tổ chức là người tiêu dùng. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện một trong những quan điểm xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng mà Ban soạn thảo đã để ra là “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh”14.
(1) Xem Thuyết minh Dự luật về Các hành vi thương mại trước Nghị viện Anh năm 1973.
(2) Xem Consumer protection Law- Goldring, Maher, McKeough, Pearson- Fifth Edition- The Federation Press.
(3) Có thể kể ra một số loại hành vi như: khuyến mại giả hiệu (tăng giá lên cao rồi đưa ra chiêu bài khuyến mại giảm giá) hay có những hành động, lời nói làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về tính năng, công dụng của sản phẩm, hay có những hành vi thúc ép gây phiền phức khiến người tiêu dùng, vì muốn tránh sự phiền phức này mà phải mua hàng hóa dịch vụ.
(4)Bao gồm Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Hồng Công, Ấn Độ, Na Uy, Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Malayxia, Anh.
(5) Xem hồ sơ Dự án luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(6) Xem Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 4/5/2010 về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Nguồn: http://duthaoonline. quochoi.vn).
(7) Điều 10 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Nguồn: http://duthaoonline.quochoi.vn).
(8) Điều 11 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(9) Điều 12 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(10) Điều 13 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(11) Xem Chương III Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(12) Điều 23, 24, 25 Dự thảo 5 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
(13) Khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định “Người tiêu dùng là các cá nhân, tổ chức mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ không nhằm mục đích bán lại”.
(14) Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 4 tháng 5 năm 2010 về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Nguồn: http://duthaoonline. quochoi.vn)
GS, TS. Lê Hồng Hạnh; ThS. Trần Thị Quang Hồng - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM)
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
|
Bình luận
Bình luận bằng Facebook