/ / / /

Dự thảo báo cáo đánh giá tác động luật trọng tài thương mại (bản báo cáo tóm tắt)


Dự thảo báo cáo đánh giá tác động luật trọng tài thương mại (bản báo cáo tóm tắt)
Trong giao dịch dân sự thường này, nhất là giao dịch kinh tế thương mại, việc phát sinh tranh chấp là không thể tránh khỏi; và giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, công bằng các tranh chấp này sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động dân sự, kinh tế, thương mại, đầu tư; tạo sự yên tâm cho các bên ngay từ khi mới hình thành quan hệ dân sự và cả khi có phát sinh tranh chấp.

1 – Mục tiêu:

Do vậy,  mục tiêu quan trọng nhất của Luật Trọng tài là tạo một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thuận lợi cho các bên, đặc biệt là các bên tham gia các hoạt động thương mại, đầu tư. Dự kiến việc ban hành và thực hiện Luật trọng tài sẽ giảm tải khoảng 10% số lượng tranh chấp kinh tế cho toà án, chuyển sang giải quyết thông qua hệ thống trọng tài vào năm 2015.[1] Ngoài ra, luật còn nhằm góp phần làm phát triển cả về quy mô và chất lượng của hệ thống trọng tài và các trọng tài viên ở Việt Nam.

II. Thực trạng vấn đề của hệ thống trọng tài Việt nam hiện nay và nguyên nhân.

1. Thực trạng vấn đề

Vấn đề lớn nhất hiện nay là trọng tài tại Việt Nam rất ít được sử dụng để giải quyết các tranh chấp đầu tư và thương mại; các hợp đồng với các bên nước ngoài nhất là hợp đồng có trị giá lớn hầu như không lựa chọn trọng tài tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Các tranh chấp ở Việt nam hiện vẫn chủ yếu được giải quyết thông qua hệ thống toà án hoặc trọng tài nước ngoài.

Theo thống kê năm 2007 về giải quyết các vụ tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại và lao động, thì toà án các tỉnh đã thụ lý 108.060 vụ; đã xử lý được 80.773 vụ. Ngoài ra, có 1.280 vụ được kháng cáo lên toà án tối cao.[2] Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong khi VIAC (1 trong 7 tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam và có số vụ kiện thụ lý nhiều nhất Việt Nam) cũng chỉ tiếp nhận khoảng 30 vụ,[3] tính trung bình, mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ một năm, thì mỗi thẩm phán ở tòa kinh tế Hà Nội phải xử trên 30 vụ một năm và mỗi thẩm phán ở tòa kinh tế Thành phố HCM xử trên 50 vụ một năm.

Trên thế giới, nhiều tranh chấp kinh tế, thương mại vẫn tiếp tục được giải quyết bằng trọng tài, ví dụ tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (119 vụ), Hiệp hội Trọng tài Mỹ (621 vụ);  Toà án Trọng tài Quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại Quốc tế ICC (599 vụ); Hội đồng Trọng tài Thương mại và Kinh tế Trung Quốc (1.118 vụ); Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (448 vụ)[4]

Hệ thống khung pháp luật điều chỉnh hoạt động của trọng tài hiện nay mặc dù có những đóng góp to lớn cho việc đặt nền móng hình thành và phát triển hệ thống trọng tài, nhưng còn những bất cập, làm cho hệ thống trọng tài chưa trở thành phương thức hấp dẫn và hiệu quả để các bên lựa chọn giải quyết các tranh chấp liên quan (trình bày cụ thể trong phần dưới đây).[5]

Việc các tranh chấp chủ yếu được xét xử thông qua hệ thống toà án và Trong tâm trọng tài quốc tế ở nước ngoài có thể gây ra những tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế, thương mại ở nước ta. Hệ thống toà án đã trở nên quá tải dẫn đến làm ảnh hưởng đến chất lượng vụ xét xử sơ thẩm, tăng việc vụ việc xét xử phúc thẩm, kéo dài thời gian xử lý, tăng lượng vụ tồn đọng, không kịp giải quyết; do đó làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xử lý các tranh chấp tại trung tâm trọng tài ở nước ngoài có thể gây ra bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam về chi phí, thời gian đi lại, ngôn ngữ, tiện lợi, ….

Do đó, thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài không những giúp khắc phục những tác động tiêu cực nói trên mà so với Toà án, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có một số ưu điểm sau đây:

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp trung lập cho các bên:

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính chuyên môn cao.

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo, nhanh chóng, thuận lợi cho các bên

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp bí mật

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp dứt điểm

2. Nguyên nhân của những bất cập

Thực trạng nói trên do 5 nhóm nguyên nhân sau:

(i) Thẩm quyền của trọng tài còn hạn chế về phạm vi, chưa được xác định cụ thể, rõ ràng, thống nhất và chắc chắn.

(ii) Sự hỗ trợ của toà án đối với trọng tài chưa toàn diện, hiệu quả, thiếu hiệu lực và đặt trọng tài vào vị trí bất lợi hơn nhiều so với toà án.

(iii) Các bên chưa thuận lợi trong lựa chọn HĐTT trung lập, trọng tài viên có trình độ chuyên môn tốt.

(iv) Đội ngũ trọng tài viên ở trong nước chưa phát triển, trong nhiều trường hợp, chưa đạt trình độ và uy tín đảm bảo sự tin cậy của các bên tranh chấp, nhất là các bên nước ngoài.

(v) Cuối cùng, tương tự như Toà án, các doanh nghiệp và người dân ở nước ta chưa thực sự hiểu biết nhiều về pháp luật về trọng tài, chưa biết đến nhiều về trọng tài và vẫn còn e ngại trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

III.  Phân tích các giải pháp.

Bạn soạn thảo đã xác định được tổng số 26 giải pháp để giải quyết cho 5 nhóm nguyên nhân nêu trên (xem chi tiết trong báo cáo đầy đủ). Trong mỗi vấn đề thì luôn có một giải pháp là “giữ nguyên như hiện nay”, tức là giữ nguyên như quy định của pháp lệnh trọng tài và các quy định liên quan. Giải pháp này sẽ là cơ sở cho việc so sánh và phân tích các giải pháp khác.

Sau đó, Ban soạn thảo tiến hành phân tích, đánh giá và so sánh tác động của các giải pháp và đã chọn ra được 13 giải pháp. Trong đó, 11 giải pháp đã được thể hiện trong nội dung của luật và 2 giải pháp (giải pháp 12 và 13) sẽ được xem xét và triển khai thực hiện trong quá trình thực hiện luật sau khi ban hành. Sau đây là tóm lược các giải pháp được kiến nghị lựa chọn và tác động tích cực của giải pháp đó.

1 – Mở rộng, xác định rõ và cụ thể phạm vi thẩm quyền của trọng tài. Cụ thể, phạm vi thẩm quyền của trọng tài có thể bao gồm:

a) Tất cả các tranh chấp dân sự, kinh tế và lao động đều có thể được giải quyết bằng trọng tài, trừ một số ít các trường hợp được quy định cụ thể.[6]

b) Các tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trong việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện và quản lý dự án đầu tư, khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên lãnh thổ Việt nam cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài.[7]

Tác động tích cực của phương án này:

- Làm tăng số lượng tranh chấp được giải quyết ở TTTT, nhờ đó giảm tải được hoạt động giải quyết tranh chấp ở hệ thống toà án; qua đó làm nâng cao chất lượng hoạt động giải quyết tranh chấp. Do chất lượng xét xử ở toà án tăng lên, dẫn đến: giảm số lượng vụ việc tồn đọng (thụ lý nhưng chưa giải quyết kịp); đẩy nhanh tiến độ giải quyết ở toà án; giảm số lượng vụ việc phúc thẩm

- Có thể giảm được chi phí liên quan do phải mở rộng đội ngũ thẩm phám

Việc tăng số lượng giải quyết tranh chấp thông qua TTTT có thể mang lại những tác động tích cực cho doanh nghiệp:

- Giảm chi phí cho doanh nghiệp liên quan đến giải quyết tranh chấp ở toà án, do chất lượng xét xử ở toà án tăng lên, dẫn đến: giảm số lượng vụ việc tồn đọng (thụ lý nhưng không giải quyết kịp); đẩy nhanh tiến độ giải quyết ở toà án; giảm số lượng vụ việc phúc thẩm

- Giảm các chi phí cho doanh nghiệp do giải quyết tranh chấp ở TTTT bởi vì chi phí trung bình giải quyết ở TTTT rẻ hơn so với hệ thống toà án.

- Giảm thiệt hại chi phí cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp do rút ngắn thời hạn giải quyết; giữ được bí mật tranh chấp; giữ được bạn hàng sau khi giải quyết tranh chấp,…

- Thúc đẩy phát triển hệ thông trọng tài, đội ngũ trọng tài viên ở nước ta

2 – Mở rộng tiêu chí xác định thoả thuận trọng tài, theo hướng chú trọng đến đến ý chí của các bên về việc lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp; tính đến sự phát triển của công nghệ thông tin điện tử, giảm can thiệp tùy tiện của tòa án.

Giải pháp này phần làm giảm các vụ việc đáng ra được giải quyết ở trọng tài những lại không thực hiện được do thoả thuận trọng tài không đủ điều kiện. Nói cách khác, việc mở rộng tiêu chí xác định hiệu lực thoả thuận trọng tài sẽ góp phần mở rộng phạm vụ vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài. Do đó, lợi ích phương án này về cơ bản giống như phương án 1.

3 – Trao thẩm quyền cho Hội đồng trọng tài là cơ quan duy nhất quyết định hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, không cần phải đưa ra tòa án.

Lợi ích của phương án này:

- Giảm bớt công việc cho tòa án do giảm số vụ tòa án hủy quyết định TT do cho rằng thỏa thuận TT vô hiệu

- Tăng việc cho TT trọng tài

- Tránh được thiệt hại cho các bên do giảm việc hủy quyết định của TTTT

- Rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp

4-  Xác định chặt chẽ, rõ ràng, hợp lý tiêu chí xác định Toà án có thẩm quyền đối với Trọng tài, theo hướng linh hoạt; đồng thời cần xác định rõ trong trường hợp nếu nhiều toà án có thẩm quyền thì các bên hoặc trung tâm trọng tài có quyền lựa chọn một trong toà án đó và quy định rõ trách nhiệm hợp tác, phối hợp công việc của toà án và không được quyền từ chối.

Lợi ích của phương án này:

- Quyết định hỗ trợ TTTT của toà án nhanh hơn, chính xác hơn và kịp thời hơn.

- Giúp cho các TTTT nhanh chóng hơn, chính xác hơn trong việc xác định toà án có thể hỗ trợ trong hoạt động giải quyết tranh chấp. Qua đó:

+ Việc phối hợp của toà án và trọng tài tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn (tác động tích cực cho TTTT).

+ Việc giải quyết tranh chấp có hiệu quả hơn => tác động tích cực cho các bên tranh chấp, bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp các bên

5 – Xác định rõ ràng hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của toà án trong việc hỗ trợ hoạt động trọng tài; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trọng tài trong việc thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Lợi ích phương án này tương tự như phương án 4.

6 – Xác định rõ các căn cứ toà án có thể huỷ quyết định trọng tài theo hướng hạn chế hơn phạm vi huỷ quyết định của trọng tài.

- Giảm tải cho toà án trong việc thụ lý giải quyết các tranh chấp do huỷ quyết định của trọng tài. Do đó, giảm được các chi phí có liên quan cho toà án trong việc huỷ quyết định của TTTT và xét xử lại.[8]

- Giảm thiệt hại là chi phí doanh nghiệp phải chịu khi giải quyết tranh chấp tại TTTT mà bị huỷ

- Giảm được các thiệt hại cho doanh nghiệp là chi phí phải trả do quyết định của TTTT bị huỷ và phải xử lý lại ở toà án.

- Giảm thiệt hại là chi phí mà TTTT phải chịu khi xử lý các tranh chấp nhưng sau đó bị toà án huỷ.[9]

7 – Cho phép hội đồng trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời, và trực tiếp yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ thực hiện biện pháp này.

Lợi ích của phương án này:

- Giảm bớt được công việc cho toà án trong thực hiện yêu cầu TTTT về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

- TTTT chủ động hơn và kịp thời hơn trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp các bên, giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn, bảo đảm cho việc thi hành pháp quyết sau này.

8 – Cho phép các bên có thể lựa chọn trọng tài viên nước ngoài; xét xử bằng tiếng nước ngoài; áp dụng luật nước ngoài.

Mặc dù, trong phương án này thì lợi ích cho khu vực nhà nước là không rõ ràng, nhưng lợi ích đối với khu vực doanh nghiệp là lớn, cụ thể:

- Tăng tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với trong nước được giải quyết ở TTTT Việt nam; kéo các tranh chấp trước kia thường được giải quyết ở TTTT nước ngoài về giải quyết tại TTTT Việt nam, sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam khi vụ việc được giải quyết tại Việt nam

- Tăng lựa chọn cho doanh nghiệp trong việc chọn trọng tài, cách thức giải quyết tranh chấp. Lợi ích này chủ yếu tác động tích cực đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà  đầu tư nước ngoài tại Việt nam

9 – Cho phép các bên được thỏa thuận một cơ quan trung lập (ngoài tòa án) chỉ định trọng tài viên (đối với trọng tài vụ việc) trong trường hợp một bên không tiến hành chỉ định trọng tài viên hoặc các bên không thỏa thuận được việc chỉ định trọng tài viên.

Lợi ích của phương án này:

- Giảm khối lượng công việc cho toà án trong việc chỉ định trọng tài theo yêu cầu các bên

- Tăng lựa chọn cho doanh nghiệp

- Đẩy nhanh quá trình thành lập Hội đồng trọng tài

10 – Cho phép các trung tâm trọng tài khác nhau tự quy định điều kiện trọng tài viên; ghi trong điều lệ thành lập.

Theo hướng này, nhà nước không nên quy định quá cao điều kiện để thể trở thành trọng tài viên nhất là tiêu chí bằng cấp mà cần nhấn mạnh tiêu chí độc lập, vô tư, khách quan của trọng tài viên, bên cạnh đó nên để các Trung tâm trọng tài tự quy định về tiêu chuẩn của trọng tài viên. Do đó, lợi ích của phương án này là:

- Mở rộng cơ hội cho đối tượng có chuyên môn cao, nhưng còn thiếu bằng cấp, có thể trở thành trọng tài viên => mở rộng cơ hội phát triển nguồn nhân lực trọng tài

- Mở rộng cơ hội cho các bên tranh chấp lựa chọn trọng tài

- Mở rộng cơ hội cho chuyên gia nước ngoài làm trọng tài viên ở Việt Nam => tăng vụ tranh chấp có “yếu tố nước ngoài” được giải quyết tại TTTT Việt Nam.

- Tăng cơ hội cho trọng tài Việt Nam học hỏi kinh nghiệm; => tăng động cơ, động lực phấn đấu cho chuyên gia Việt nam, dẫn đến nâng cao chuyên môn của đội ngũ trọng tài Việt Nam nói chung (ví dụ = lợi ích hiện có của việc mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý).

11 – Đơn giản hoá thủ tục, điều kiện thành lập Trung tâm trọng tài

Lợi ích của phương án này là:

- Tăng số lượng TTTT được thành lập

- Tăng lựa chọn cho bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp

- Tạo sự cạnh tranh và do đó, tăng chất lượng dịch vụ của các TTTT ở Việt nam và có thể giảm chi phí cho doanh nghiệp.

12 – Đưa việc giảng dạy kỹ năng trọng tài vào một số trường đại học

Luật sư khi ra trường có hiểu biết nhiều về trọng tài sẽ  khuyến khích các bên dùng trọng tài nhiều hơn.

- Mở rộng nguồn nhân lực trọng tài do các sinh viên ra trường đã được trang bị kiến thức nhất định về trọng tài

13 – Nhà nước khuyến khích các TTTT tự nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hoạt động của mình bằng cách miễn thuế cho TTTT.

- Thu hút nhiều hơn khách hàng cho chính TTTT đó

- Lợi ích từ biện pháp khuyến khích của nhà nước

IV. Kết luận và lưu ý

Trên là những giải pháp hay của Ban soạn thảo cho rằng cần được thể hiện trong dự thảo Luật trọng tài. Nói cách khác, đây là những nội dung mới của dự án Luật trọng tài so với pháp lệnh trọng tài trước đây. Các giải pháp chung này sẽ được cụ thể hoá bằng các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật. Do đó, để truyền tải đầy đủ các giải pháp này thành quy định cụ thể thì quy định tương ứng trong dự thảo cũng phải quy định một cách chi tiết, rõ ràng, nhất quán và hiểu thống nhất. Việc thay đổi nội dung tương ứng trong một hoặc một số điều khoản của dự thảo có thể dẫn đến việc nội dung của luật không còn phải ánh giải pháp thể hiện trong báo cáo RIA này. Do đó, việc thảo luận và sửa đổi các điều khoản trong dự thảo luật phải luôn được đặt cùng với chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện báo cáo RIA này. Việc phân tích các tác động theo phương pháp thực hiện báo cáo RIA này sẽ là cơ sở để quyết định sửa đổi các điều khoản tương ứng có liên quan.






[1] Hàng năm, sẽ có khoảng 800 vụ tranh chấp được giải quyết bằng hệ thống trọng tài.

[2] Số liệu thống kê tình hình xét xử của toà án ở 64 tỉnh, thành phố giai đoạn 1-1-2007 đến 31-12-2007.

[3] VIAC có 123 trọng tài viên. Năm 2004 thụ lý 26 vụ; năm 2005 thụ lý 18 vụ. Năm 2008 thụ lý 48 vụ. Tính trung bình, mỗi năm số vụ việc giải quyết tăng khoảng 15%.

[4] http://www.hkiac.org/HKIAC/HKIAC_English/main.html

[5] GS. Đào Trí Úc (2008): Tham luận góp ý cho dự thảo Luật trọng tài

[6] Bao gồm: Tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, tranh chấp liên quan đến quan hệ hôn nhân, gia đình và thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình; Tranh chấp liên quan đến việc phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

[7] Đây là cụ thể hoá các quy định tương ứng của Luật đầu tư về giải quyết tranh chấp

[8] Lợi ích = [Chi phí xét xử toà án + chi phí huỷ quyết định TTT] * tỷ lệ % giảm xuống * số lượng quyết định TTTT bị huỷ.

[9] Lợi ích = ([chi phí cho doanh nghiệp khi giải quyết tại TTTT + chi phí cho doanh nghiệp khi giải quyết tại Toà án] + [chi phí cho TTTT khi giải quyết tranh chấp]) * tỷ lệ % giảm xuống * số lượng quyết định của TTTT bị huỷ.

SOURCE: DIỄN ĐÀN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến