/ / / /

Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án kinh tế - dân sự


Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án kinh tế - dân sự
Biện pháp khẩn cấp tạm thời là các biện pháp tư pháp theo luật định - do Tòa án tự quyết định hoặc theo yêu cầu của một bên đương sự trong vụ án dân sự, nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp, tránh gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được.

Luật sư Trần Hồng Phong giới thiệu

 

Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự nói chung, phía nguyên đơn (cá nhân, tổ chức) có quyền yêu cầu Toà án, nơi đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp gọi là “biện pháp khẩn cấp tạm thời” - theo thủ tục, trình tự quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của mình, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh việc có thể gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án (sau khi tòa đã xét xử).

Thậm chí, trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra - nguyên đơn có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện.

 

Thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án :

Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên toà do một Thẩm phán – người được giao trách nhiệm giải quyết vụ án, xem xét, quyết định.

Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên toà do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định (theo nguyên tắc đa số).

Văn bản thể hiện sự quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có tên là “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Chỉ khi nào Tòa án đã ban hành quyết định này thì xem như yêu cầu của nguyên đơn mới chính thức được chấp thuận.

12 biện pháp khẩn cấp tạm thời cơ bản


1. Kê biên tài sản đang tranh chấp.


Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản. Tài sản bị kê biên có thể được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Toà án.

Ví dụ : ông A và ông B đang có tranh chấp về một căn nhà mua bán với nhau. Ông A là người mua đã giao tiền, nhưng ông B không giao nhà. Ông A đã nộp đơn khởi kiện ông B, yêu cầu phải giao nhà. Trong lúc Tòa án đang thụ lý giải quyết thì ông B có dấu hiệu phá hủy, tháo dỡ các công trình phụ trong ngôi nhà đang tranh chấp. Trong trường hợp này, ông A có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án kê biên căn nhà nói trên (là tài sản đang tranh chấp) để sau này nếu thắng kiện thì tình trạng căn nhà vẫn nguyên vẹn như khi hai bên thỏa thuận mua bán ban đầu.

Một điều cần lưu ý là biện pháp này chỉ áp dụng cho tài sản đang tranh chấp chứ không phải là tài sản không liên quan. Rất nhiều người đã lầm lẫn về vấn đề này. Chẳng hạn như trong ví dụ trên, ông B có 2 căn nhà, và căn nhà đang có tranh chấp (hai bên đã mua bán) là X. Thì ông A chỉ có quyền yêu cầu kê biên căn nhà X chứ không có quyền yêu cầu kê biên căn nhà kia.

 

2. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

Ví dụ: Cũng như trường hợp trên. Nhưng ông B đang rao bán căn nhà đang tranh chấp. Khi đó, ông A có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định “cấm dịch chuyển quyền tài sản” đối với căn nhà. Khi đó, ông B sẽ không thể bán nhà được nữa. ( Vì quyết định của Tòa án đã được thông báo tới các nơi đăng ký tài sản, phòng công chứng – là nơi mà muốn bán nhà thì ông B phải ‘đi qua”.

 

3. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

 

4. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.

Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp mà có hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.

Ví dụ: Công ty A kiện ông B về việc tự ý bán mía cho công ty C, trong khi trước đây đã ký hợp đồng bao tiêu với công ty A. Trong khi tòa chưa xét xử thì mía đã già, nếu không thu hoặc sẽ phải vứt bỏ, thành củi. Khi đó, công ty A có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc ông B “trước mắt” phải bán mía cho công ty A. Sau đó … hạ hồi phân giải.

 

5. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.

Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.

Phong toả tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.

 

6. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.

Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.

Ví dụ : Ông K kiện đòi nợ ông H 100 triệu đồng. Vì thấy rằng ông H nhiều khả năng không có tiền mặt, nên ông K đã yêu cầu Tòa ra quyết định phong tỏa một tài sản của ông H, chẳng hạn là một căn nhà.

Như vậy, có thể thấy việc “phong tỏa” khác với việc “kê biên”. Phong tỏa áp dụng đối với tài sản “không có tranh chấp” giữa hai bên. Trong ví dụ trên, ông K và ông H không có tranh chấp về căn nhà.

 

7. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.

Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Toà án giải quyết.

 

8. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Đây là trường hợp nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến người chưa thành niên chưa có người giám hộ.

Ví dụ : hai vợ chồng ly hôn, có một con chung còn nhỏ nhưng không bên nào chịu nuôi dưỡng, cả chồng lẫn vợ đều bỏ bê, đi xa. Trong trường hợp này, đương sự hoặc Tòa có quyền ra quyết định, trước mắt giao cháu bé cho bà ngoại nuôi dưỡng.

9. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

Nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng.

 

10. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

Được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và cần thiết.

Ví dụ: Ông M tông xe làm ông N bị chấn thương (chưa đến mức độ khởi tố hình sự). Ông N phải vào điều trị trong bệnh viện. Gia đình ông N làm đơn kiện ông M. Trong trường hợp này, phía nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa ra quyết định buộc ông M phải thanh toán trước một phần tiền để phía ông N trả chi phí điều trị.

 

11. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu trả tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và cần thiết.

 

12. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.

Được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến sa thải người lao động và xét thấy quyết định sa thải người lao động là trái pháp luật hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động.

 

* Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Toà án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm viết đơn;
b) Tên, địa chỉ của người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
c) Tên, địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
d) Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Tuỳ theo yêu cầu mà người yêu cầu phải cung cấp cho Toà án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ xem xét, giải quyết đơn của người yêu cầu trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn. Nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện biện pháp bảo đảm quy định thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên toà thì Hội đồng xét xử xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm.

 

* Các trường hợp người yêu cầu phải thực hiện “biện pháp bảo đảm” thì mới được Tòa án giải quyết (chấp thuận) đơn yêu cầu:

Đó là khi người yêu cầu có yêu cầu đề nghị Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau:

1. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

2. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
3. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
4. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
5. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.

Trong các trường hợp có yêu cầu như trên, người phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá - tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Việc này để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.

Ví dụ : Trong trường hợp ông K đòi nợ ông H nói trên. Nếu ông K có đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp “phong tỏa” nhà của ông H thì ông K phải nộp một khoản tiền 100 triệu đồng – bằng chính số nợ mà ông H có nghĩa vụ phải trả cho ông K (nếu ông K thắng kiện). Như vậy, có thể thấy muốn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án chấp nhận thì trước hết và nhất thiết phải có tiền và nhiều tiền. Luật là vậy.

Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá sẽ được gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

 

* Các trường hợp Toà án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong nhiều vụ án, dù đương sự không có đơn yêu cầu, nhưng xét thấy cần thiết thì Tòa án có quyền tự mình ra quyết định áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau :

- Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnhnghề nghiệp cho người lao động.

- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.

 

* Thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời

Khi xét thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì đương sự và tòa án có quyền yêu cầu thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời đã và đang áp dụng.

 

* Huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Toà án ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi:

- Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị huỷ bỏ;

- Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;

- Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự.

Trong trường hợp huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Toà án phải xem xét, quyết định để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhận lại khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá bảo đảm.
Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay.

 

* Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng

Người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Toà án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

b) Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu;

c) Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

 

* Khiếu nại về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Đương sự có quyền khiếu nại với Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng (hoặc thay đổi, huỷ bỏ) biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không ra quyết định áp dụng (hoặc thay đổi, huỷ bỏ) biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng (hoặc thay đổi, huỷ bỏ) biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc trả lời của Thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng (hoặc thay đổi, huỷ bỏ) biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Chánh án Toà án phải xem xét, giải quyết khiếu nại của đương sự trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng.
Tại phiên toà, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.

Trên đây chỉ là sự trình bày mang tính chất tổng quát, cơ bản. Nếu quí vị là đương sự trong một vụ án dân sự và cảm thấy muốn yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời như nói trên - thì ít nhất cũng nên nhờ luật sư tư vấn và viết đơn giúp. Vì đây là vấn đề không đơn giản.

( Theo Bộ luật tố tụng dân sự)

(Nguồn: Ecolaw.vn)

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến