/ / / /

Bàn thêm về nhầm lẫn trong giao dịch dân sự


Bàn thêm về nhầm lẫn trong giao dịch dân sự
Đọc qua bài viết của tác giả Hoàng Thư và TS. Đỗ Văn Đại tôi rất tán thành với đề nghị qui định lại thời hiệu yêu cầu. Qui định như hiện nay chẳng khác nào khuyến khích kẻ thực hiện hành vi lừa dối cần phải thực hiện thật tinh vi để người bị lừa dối không tài nào phát hiện trong thời hạn 2 năm hoặc tiến hành hành vi đe dọa, khủng bố trong khoảng thời gian hơn 2 năm để người bị đe dọa không thể thực hiện quyền yêu cầu của họ. Về vấn đề này tôi từng được nghe Tiến sĩ Dương Anh Sơn chia sẽ. Với tôi những bài viết như vậy thật sự rất hữu ích. Tuy nhiên tôi có một vài ý không tán đồng, xin được chia sẽ và rất mong nhận được ý kiến phản hồi của các tác giả.

Thứ nhất, tôi không đồng tình với những nhận xét về“nguyên nhân”nhầm lẫn của Hoàng Thư và TS Đỗ Văn Đại. Nhầm lẫn là sự hiểu không đúng về một sự vật, sự việc, tuy vậy theo tinh thần của Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 (BLDS) thì không phải bất cứ sự nhầm lẫn nào cũng dẫn tới hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu. Tôi ủng hộ tinh thần này. Và nếu tôi hiểu không sai thì BLDS không phân chia nhầm lẫn do lỗi vô ý và lỗi cố ý. Điều 131 chỉ điều chỉnh một trường hợp hợp giao dịch dân sự vô hiệu duy nhất là nhầm lẫn do có lỗi vô ý. Trường hợp cố ý để người khác hiểu sai sự vật, sự việc thì đó chỉ có thể là lừa dối. Lừa dối không đồng nghĩa với nói dối. Nếu hành vi nói dối chỉ có thể thể hiện qua hành động thì hành vi lừa dối còn bao gồm việc không hành động. Nói cách khác lừa dối có ngoại diên rộng hơn nói dối. Vì vậy sự “ nhầm lẫn do lỗi cố ý” mà các tác giả nhắc đến, theo tôi, là hành vi lừa dối và được điều chỉnh bởi Điều 132 BLDS. Điều chưa hoàn thiện tại Điều 131 BLDS ở đây, chính là các lập pháp gia đã cẩn thận một cách không cần thiết khi thêm câu “Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này”. Câu  thừa này, nói một cách công bằng, không phải là điều tai hại, nhưng thiết nghĩ nếu không có thì tốt hơn.

 

Thứ hai, Tự do xác lập giao dịch là một trong những trụ cột của sự phát triển kinh tế. Việc ra phán quyết giao dịch dân sự vô hiệu, vì vậy, không phải là vấn đề đơn giản, cần thận trọng để đảm bảo các nguyên tắc công bằng, tự nguyện, tự do. Khi xác lập một quan hệ dân sự, các chủ thể đều có mục đích riêng, nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Khi một giao dịch dân sự vô hiệu, hậu quả pháp lý là khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, bồi thường thiệt hại…, trên thực tế, thực hiện những việc như vậy thật không dễ dàng, mất thời gian và tiền bạc. Nếu một chủ thể hoàn toàn không có lỗi trong xác lập giao dịch mà phải chịu hậu quả giao dịch vô hiệu do yêu cầu của chủ thể khác thì thật không công bằng. Ngoài ra, khi nghiên cứu cần hiểu phạm vi điều chỉnh của Điều 131 chỉ là những giao dịch dân sự không thuộc phạm vi của các điều 128, 129,130, 132, 133,134, 135. Nói cách khác cần mặt định là các giao dịch được điều chỉnh tại điều 131 là những giao dịch không trái pháp luât, chủ thể có năng lực xác lập… Như vậy các chủ thể tham gia phải đã có đủ năng lực, ý chí và tự nguyện tham gia giao dịch và lẽ đương nhiên họ phải tự chịu trách nhiệm về hậu qủa từ hành vi và sự hiểu biết của mình. Nếu chấp nhận một bên có quyền yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu mà hoàn toàn không có lỗi của bên kia thì không những trái với lẽ thường, mà nó sẽ trở thành một trở ngại trong giao dịch hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa và tri thức của xã hội. VD: B có nhu cầu mua nhà, A có nhu cầu bán. Trong hợp đồng có ghi rõ A bán nhà cho B với giá 1 tỉ đồng, bằng 2/3 giá trị thực tế của ngôi nhà, do thỉnh thoảng có rắn độc bò vào nhà từ đầm lầy bên cạnh.( trên thực tế có lẽ không ai ghi như vậy). Nhưng sau khi bán nhà, A phát hiện ra loài rắn mà A thấy chỉ là loài hiền lành, vô hại. A đề nghị B trả thêm tiền nếu không sẽ yêu cầu hợp đồng vô hiệu. Từ ví dụ ta có thể thấy, việc A nhầm lẫn không do lỗi của B, mà so sự thiếu hiểu biết của A, nếu luật công nhận trường hợp giao dịch vô hiệu như vậy thì tính công bằng và hợp lý có còn được đảm bảo?!

Nhân nói về ví dụ, tôi xin được bàn về ví dụ giao dịch mua xe giữa anh Mạnh và anh Thắng (gdmx) mà Ts Đỗ Văn Đại đưa ra. Trước hết cần phải nói, tôi chưa có dịp nghiên cứu qua bộ luật dân sự 1995 và tôi cũng cho rằng gdmx trên vô hiệu. Tuy nhiên, sự vô hiệu đó, theo quan điểm của tôi, không phải xuất phát từ nhầm lẫn như bản án của Tòa đã nêu vì 2 lẽ sau:

-       Anh Thắng không phải là chủ sở hữu của chiếc xe, nên anh không có quyền định đoạt chiếc xe đó. Giao dịch vô hiệu

-       Giao dịch vô hiệu do không tuân thủ hình thức.

Cần lưu ý là anh Thắng là người chiếm hữu chiếc Dream II trái pháp luật và không ngay tình. Trái pháp luật vì sự chiếm hữu của anh không thuộc trường hợp qui đinh tại điều 183 BLDS. Không ngay tình vì đối với giao dịch tài sản có đăng ký quyền sở hữu như xe gắn máy, Pháp luật buộc anh phải biết người bán kia có quyền bán chiếc xe đó hay không. Vì vậy lấy ví dụ trên để chứng minh việc BLDS qui định thiếu nguyên nhân, và cho phán quyết của tòa “hoàn toàn thuyết phục”, theo tôi là không hợp lý.

Thứ ba, về việc bổ sung “nhầm lẫn về chủ thể” vào điều 131, theo quan điểm riêng của tôi, cần phải thật thận trọng, vì sự tin tưởng vào chủ thể thuộc về yếu tố nội tâm và xã hội. Pháp luật muốn điều chỉnh thật không phải dễ. Nếu tùy tiện sẽ dễ dẫn đến những việc như A yêu cầu giao dịch bán con chim cảnh yêu quí cho B vì nhầm lẫn B là người biết yêu quí chim cảnh. Pháp luật không nên thừa nhận những “nhầm lẫn” như vậy.

Cuối cùng, pháp luật, như từng được thầy Dương Anh Sơn chia sẻ, chỉ có thể rõ ràng chứ không thể cụ thể. Việc có thêm một điều luật định nghĩa về nhầm lẫn trong BLDS, khách quan mà nói, không có hại gì ngoài việc nó sẽ làm mất đi con số 7 chương 777 điều tuyệt đẹp mà các nhà làm luật đã cố công tạo dựng. Vấn đề chủ yếu dẫn tới một số phán quyết không hợp lý của một số Tòa án ở Việt Nam hiện nay, không nằm ở việc thiếu định nghĩa, mà vốn dĩ nằm ở trình độ chuyên môn và khả năng giải thích pháp luật của một số Thẩm phán. Nếu trình độ thẩm phán thấp, chỉ biết qui chiếu pháp luật thì dù có thêm nhiều định nghĩa hơn nữa, BLDS có tăng lên 7777 điều, cũng không thể giải quyết thỏa đáng các án dân sự vốn đa dạng và phong phú. Chế định giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn trong BLDS, theo thiển ý, đã khá rõ ràng. Nhưng để có một bản án thuyết phục, hợp tình, hợp lý, thì còn phải trông chờ vào trình độ và tài giải thích pháp luật của thẩm phán.

Do trình độ chuyên môn còn hạn hẹp nên sẽ có nhiều khiếm khuyết trong cách lập luận và suy nghĩ. Rất mong được góp ý và cùng thảo luận cùng các bạn, các anh, chị, cô chú.

SOURCE: PHẢN HỒI CỦA TÁC GIẢ TRÊN TRANG THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ - PHẠM ĐỨC ANH

 

 
LUẬT BẮC VIỆT ( BVL LAWFIFM) 
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
Liên hệ với Luật sư : 
P: 0938188889 - 0913753918
M: ceo@bacvietluat.vn – lawyer.@bacvietluat.vn
W: www.sanduan.vn - www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.com.vn - www.bantinphapluat.com 


Bình luận

Chưa có bình luận cho bài viết này.

Gửi bình luận

Bạn cần Đăng nhập để viết bình luận bằng tài khoản cá nhân.

Bình luận bằng Facebook

Được thành lập bởi đội ngũ Luật sư thành đạt trong các môi trường lớn là các văn phòng luật sư trong nước và văn phòng luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Đ/c: Lô 23, Tổ 26, Ngõ 1, Nguyễn thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ceo@bacvietluat.vn
Hotline: 0938188889 - 0168.769.6666

Đăng ký nhận tin

Nhập email để là người đâu tiên nhận được những tin tức mới nhất từ Bắc Việt Luật. Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền riêng tư cho email của bạn.

Hỗ trợ trực tuyến